Cần có cơ chế khích lệ cô đỡ thôn, bản

Thu Hà
05/12/2022 - 20:28
Cần có cơ chế khích lệ cô đỡ thôn, bản

Nhiều cô đỡ thôn, bản bỏ nghề vì làm việc không có phụ cấp

Chế độ phụ cấp ít ỏi, cơ hội được đào tạo, bồi dưỡng còn hạn chế… đã khiến cho không ít cô đỡ thôn bản bỏ nghề sau nhiều năm gắn bó

Đảm bảo và nâng cao sức khỏe sinh sản của nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số là một trong những vấn đề cần được quan tâm để góp phần thực hiện hiệu quả phong trào “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”. Tuy nhiên, một số địa phương vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, điển hình là việc đảm bảo và nâng cao sức khỏe sinh sản của nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số. 

Tận tâm với nghề

Mạng lưới cô đỡ thôn, bản bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2006. Tất cả cô đỡ đều trải qua lớp đào tạo bài bản 6 tháng đúng theo quy định của Bộ Y tế. Hiện nay, cô đỡ thôn bản chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp và hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật của Trạm y tế xã, đồng thời chịu sự quản lý, giám sát về hoạt động của Ủy ban Nhân dân cấp xã, trưởng thôn, bản. Bên cạnh đó, mạng lưới cô đỡ thôn bản có mối quan hệ với các tổ chức quần chúng, đoàn thể tại thôn, bản cũng như phối hợp với các nhân viên y tế thôn, bản cùng thực hiện nhiệm vụ được phân công.

Cần có cơ chế khích lệ cô đỡ thôn, bản  - Ảnh 1.

“Cô đỡ” Katơr Thị Nính (xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) tiêm vacxin cho phụ nữ đang trong giai đoạn mang thai. Ảnh: Thành Nhân

Theo TS. Vũ Thị Minh Ngọc – Bộ Y tế, hiện nay nhu cầu được chăm sóc sức khỏe sinh sản của các thôn, bản trên địa bàn tỉnh dù đã được quan tâm nhưng chưa thể đáp ứng đầy đủ. Bên cạnh đó, số cô đỡ được hưởng phụ cấp và số các cô đỡ hoạt động thực tế có sự chênh lệch. Một số cô đỡ không đủ điều kiện được hưởng phụ cấp, dù thế, các cô đỡ vẫn luôn tận tâm với nghề bằng cả tấm lòng và trách nhiệm. 

Theo chia sẻ của cô đỡ ở xã Đắk Phơi, huyện Lắk, tỉnh Đăk Lăk, trong thôn có hơn 200 hộ nhưng lại không sống tập trung, có những nhà ra tới trạm y tế thôn mất hơn 10km, đường đi toàn đồi núi dốc cực kỳ khó khăn. Ngoài công việc đỡ đẻ cho các sản phụ, các cô đỡ thôn bản trên địa bàn tỉnh còn làm nhiệm vụ tuyên truyền, vận động về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em; thực hiện chăm sóc sức khỏe bà mẹ khi mang thai và sinh đẻ; định kỳ chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh sau đẻ tại nhà; hướng dẫn áp dụng các biện pháp tránh thai, cung cấp và hướng dẫn sử dụng bao cao su, viên thuốc uống tránh thai theo quy định của Bộ Y tế.

Công việc vất vả là thế, tuy nhiên bản thân cô và một số chị em tại địa phương khác không có phương tiện đi lại, chủ yếu đi bộ. Bên cạnh đó, thu nhập từ công việc này không cao, nên cô đỡ phải bố trí sáng đi làm nương rẫy, trưa tranh thủ đi vận động tuyên truyền. Hôm nào người dân gọi đi đỡ hoặc giúp họ chuyển tuyến là phải bỏ công việc nhà.

Cần có cơ chế khích lệ cô đỡ thôn, bản  - Ảnh 2.

Cô đỡ thôn bản hướng dẫn chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh tại Gia Lai Ảnh: DN

Theo chia sẻ của cán bộ Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Đắk Lắk, các cô đỡ yêu công việc và hoạt động tích cực tại địa phương dưới sự quản lý giám sát trực tiếp về chuyên môn của trạm Y tế. Hàng năm, các cô đều được Trung tâm cập nhật kiến thức về làm mẹ an toàn và chăm sóc trẻ sơ sinh, được cấp túi “Cô đỡ thôn bản”, túi, tài liệu truyền thông, gói đẻ sạch để xử trí đẻ rơi… Điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng vì bà con còn nhiều người cần giúp đỡ, nên nhiều cô đỡ không nỡ từ bỏ… 

“Mình làm cô đỡ thôn bản, mình sẽ tận tụy với công việc để không phụ lòng tin của bà con, bà con tin mình vì mình nói thứ tiếng của bà con… Làm công việc này không chỉ là phục vụ người dân mà còn là tình nghĩa xóm giềng”, cô đỡ huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk cho hay.  

Duy trì, phát triển mạng lưới cô đỡ thôn, bản 

Theo TS Vũ Thị Minh Ngọc, để khích lệ tinh thần cũng như nâng cao trách nhiệm của đội ngũ các cô đỡ thôn bản trong việc tiếp tục gắn bó với công việc này, các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị Y tế cần có những chính sách trực tiếp liên quan đến chế độ đãi ngộ của đội ngũ y tá thôn bản và cô đỡ thôn bản tại các địa bàn miền núi. 

Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk tổ chức lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho các cô đỡ thôn, bản trên địa bàn tỉnh

Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk tổ chức lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho các cô đỡ thôn, bản trên địa bàn tỉnh

Cụ thể, ngành Y tế cần phối hợp các bộ, ngành, chính quyền và cấp ủy các địa phương nghiên cứu, đề xuất các chính sách để duy trì và phát triển mạng lưới cô đỡ thôn bản tại các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đảm bảo thực hiện tốt chế độ đãi ngộ để cô đỡ thôn bản yên tâm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Hơn nữa, các cơ sở Y tế cần quan tâm đến việc đào tạo cô đỡ thôn bản cho các thôn, buôn khó khăn; gia tăng chỉ tiêu cô đỡ thôn bản để giảm tải công việc cho các cô đỡ hiện đang làm việc.

Các địa phương cần chú ý, tạo điều kiện, hỗ trợ cho các cô đỡ thôn bản trong việc đi lại. Bên cạnh đó, chính bản thân phụ nữ dân tộc thiểu số cần được tuyên truyền, nâng cao kiến thức để có thái độ, nhận thức và các chuỗi hành động hướng đến đảm bảo sức khỏe. Do vậy, duy trì, phát triển mạng lưới cô đỡ thôn bản nhằm góp phần đảm bảo nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ dân tộc thiểu số là một nhiệm vụ quan trọng trong bối cảnh xã hội hiện nay. 

Trong bối cảnh Hội LHPN Việt Nam được giao chủ trì Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, các cô đỡ thôn bản được kì vọng sẽ hoạt động tích cực trở lại, khắc phục tất cả những khó khăn để giúp bà con ở vùng sâu, vùng xa nâng cao hiểu biết về chăm sóc sức khỏe sinh sản, hạn chế các trường hợp tử vong mẹ và trẻ sơ sinh; trẻ em sinh ra được phát triển khỏe mạnh; đồng thời góp phần củng cố mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản tại các bản làng vùng cao.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm