pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nỗi lo "vắng" cô đỡ thôn bản
Ưu điểm của cô đỡ thôn bản là có cùng văn hóa, ngôn ngữ để tuyên truyền, vận động, cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn ngay tại thôn bản
Tỷ lệ tử vong sơ sinh còn cao
Phụ nữ vùng dân tộc thiểu số vốn gặp những rào cản khác nhau trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em thì đến nay càng khó khăn hơn khi mạng lưới cô đỡ thôn bản đang có nguy cơ không thể duy trì tiếp.
Theo TS Trần Đăng Khoa - Phó Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ Bà mẹ & trẻ em (Bộ Y tế), hiện nay tỷ lệ tử vong sau sinh ở khu vực miền núi, dân tộc thiểu số còn cao, chiếm đến 70-80% tử vong trẻ dưới 1 tuổi, 50-60% tử vong trẻ dưới 5 tuổi trong cả nước.
Số liệu nghiên cứu cho thấy, dù tỷ lệ tử vong mẹ ở cấp quốc gia đã giảm xuống còn 46 ca tử vong/100.000 trẻ đẻ sống nhưng tỷ lệ này vẫn còn cao (100 - 150 ca tử vong) ở các vùng miền núi và vùng dân tộc thiểu số. Phụ nữ thuộc nhóm dân tộc thiểu số dễ bị tổn thương chiếm tỷ lệ cao, đơn cử phụ nữ dân tộc H'mong chiếm 60%, dân tộc Thái 17%. Tỷ lệ tử vong mẹ ở phụ nữ H'mong cao gấp 7 lần so với phụ nữ người Kinh.
Tiếp đó, tỷ lệ trẻ suy sinh dưỡng cũng cao so với trung bình cả nước như khu vực Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dân tộc thiểu số cao gấp 2 lần, tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân cũng cao gấp 2,5 lần so với trẻ là người Kinh.
Nguyên nhân là do điều kiện y tế khu vực miền núi còn thiếu như thiếu chuyên môn sản, nhi, gây mê hồi sức... Cơ sở vật chất, điều kiện vô khuẩn, trang thiết bị thiếu, năng lực về cấp cứu sản khoa, sơ sinh sàng lọc, phát hiện dấu hiệu nguy hiểm, chuyển tuyến, chẩn đoán, tiên lượng và xử trí còn hạn chế ở những vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.
Đặc biệt, TS Khoa cũng cho biết, công tác duy trì đội ngũ cô đỡ thôn bản cũng gặp khó khăn do y tế thôn bản và cô đỡ thôn bản không còn được hưởng phụ cấp, gây khó khăn trong chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ sơ sinh ở vùng dân tộc thiểu số.
Tìm giải pháp hỗ trợ cô đỡ thôn bản
Từ đầu những năm 2000, tình trạng tử vong mẹ, tử vong trẻ em, đặc biệt là tử vong sơ sinh khá cao ở khu vực miền núi khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (cao gấp 3 - 4 lần so với khu vực đồng bằng). Nguyên nhân là do tình trạng phụ nữ vẫn đẻ tại nhà, tự đẻ mà không được nhân viên y tế đỡ đẻ còn khá phổ biến. Từ thực tế này, Bệnh viện Từ Dũ đã có sáng kiến đào tạo cô đỡ thôn bản là người dân tộc thiểu số để giúp chị em chuyển dạ.
Từ đó đến nay, Bộ Y tế đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để xây dựng, duy trì và phát triển mạng lưới Cô đỡ thôn bản; trong đó Thông tư 07/2013 đã chính thức công nhận Cô đỡ thôn bản là một loại hình nhân viên y tế thôn bản chuyên về công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản hoạt động tại các vùng miền núi khó khăn.
Cô đỡ thôn bản là một loại hình nhân viên y tế phù hợp với các vùng dân tộc, miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi người dân khó tiếp cận với hệ thống y tế tuyến xã do những khó khăn về địa lý và các phong tục tập quán. Ưu điểm của cô đỡ thôn bản là có cùng văn hóa, phong tục tập quán nên dễ dàng tiếp cận và sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình để tuyên truyền, vận động, cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn ngay tại thôn bản...
Tuy nhiên, đến nay do hạn chế về kính phí, cô đỡ thôn bản không còn được hưởng phụ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước.
Ông Khoa cũng cho biết, hiện Vụ Sức khoẻ Bà mẹ & trẻ em đang vận động Quỹ Thiện Tâm triển khai một dự án nhằm hỗ trợ cô đỡ thôn bản thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn.
Vụ cũng đang phối hợp xây dựng Nghị quyết Chính phủ về giải pháp ổn định và phát triển đội ngũ y tế thôn bản và cô đỡ thôn bản. Huy động nhân lực, vận động tài trợ và cung cấp nhiều trang thiết bị, vật tư cho các địa phương, góp phần duy trì công tác chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em liên tục trong điều kiện dịch bệnh, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền.