Cô đỡ thôn bản: Nhiều lần bị chồng sản phụ mắng vì 'mang vợ lên xã'

09/05/2019 - 12:00
Là người dân tộc H’Mông gốc Cao Bằng, cô gái Lý Thị Bay (27 tuổi, hiện sinh sống tại thôn 16 xã Cư Kbang, huyện Ea Súp, tỉnh Đăk Lăk) đã trở thành một “bà đỡ” thân quen của bà con nơi đây.
Bất kể giờ nào, dù mưa dông hay gió bấc, dù là 1- 2 giờ đêm, Lý Thị Bay đều vượt mưa gió, đêm tối, có mặt kịp thời để giúp những phụ nữ Cư Kbang sinh nở mẹ tròn con vuông.
 
 
60023450_2448927268459820_9039540929710522368_n_800x1200.jpg
 Lý Thị Bay (người H’Mông) - "Cô đỡ thôn bản" 6 năm của Đăk Lăk

 

Năm 15 tuổi, Lý Thị Bay kết duyên với người chồng quê Thái Nguyên. Theo chồng về Thái Nguyên được hơn một năm thì vợ chồng Bay lại theo nhà ngoại chuyển về Đăk Lăk định cư. Tại cao nguyên miền Trung nắng gió này, cái duyên làm “bà đỡ” đã đến với chị.
 
img_1993_1600x1067.JPG
Lý Thị Bay cùng P.GS. TS. Trần Danh Cường - Giám đốc BV Phụ sản TW
 
 
Năm 2012, Lý Thị Bay được cử đi học chương trình “Chăm sóc bà mẹ và trẻ em” do Bộ Y tế tổ chức. Tuy chỉ 6 tháng ngắn ngủi nhưng bằng lòng yêu nghề và sự quyết tâm mang sự hiểu biết cũng như tình cảm đặc biệt của mình dành cho những phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số, chị đã có những kiến thức cơ bản để giúp đỡ bà con. Năm 2013, chị Bay đã thực hiện ca đỡ đẻ đầu tiên tại nhà một người mẹ trẻ tại vùng cao này.
 
“Ngày đó gia đình không có điều kiện cho nên đi học cũng khó khăn lắm! Con mình thì nhỏ lại phải đi học xa tận trên phố, cách nhà 100km. Nhưng mình nghĩ nếu không quyết tâm học thì sẽ không làm được, không giúp được nhiều người phụ nữ như mình sinh đẻ được an toàn”, Bay tâm sự.
 
Chị cho biết, vào những năm đầu mới làm nhiệm vụ “cô đỡ thôn bản”, mỗi năm Bay phải đỡ đẻ từ 5-6 ca tại nhà. Khi đó, điều kiện vệ sinh y tế và an toàn cho mẹ và con khiến chị luôn trăn trở. Nhưng người dân ở đây với trình độ dân trí chưa cao, nhiều người dân còn sống di cư tự do, chưa ý thức được những nguy hiểm khi sinh con tại nhà, họ không muốn đến bệnh viện, không nói được tiếng Kinh, sợ bị bác sỹ mắng, thậm chí đẻ rơi con mà không biết cắt dây rốn, rất nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và bé. Phải làm thế nào để vận động được nhiều nhất phụ nữ đến trạm xá hay bệnh viện để sinh con? đó là điều chị luôn cố gắng để thực hiện bằng được.
 
Ban đầu công việc của chị khá vất vả, có những trường hợp gọi chị lúc 23 giờ đêm hay 1, 2 giờ sáng, nắng cũng như mưa tầm tã chị phải chạy quanh làng để đỡ đẻ. Nếu gặp trường hợp ở nhà chưa đẻ được thì chị vận động để họ đi tuyến trên đẻ, nhiều bà mẹ trẻ không biết tiếng Kinh, chị lại chở đi để phiên dịch. Bằng mọi cách, chị vận động người mẹ và gia đình đưa thai phụ đi đẻ ở tuyến trên để được an toàn, chỉ trường hợp bắt buộc không còn đủ thời gian, chị mới đỡ đẻ tại nhà.
 
Có những kỷ niệm mà chị Bay không thể quên khi nhớ về những lần giúp đỡ phụ nữ ở Cư Kbang. Chị kể có lần đưa người mẹ đi đẻ ở tuyến trên trong khi chồng của phụ nữ này không có nhà. Sau khi biết vợ đã được chị Bay đưa đi đẻ, người chồng không những không cảm ơn mà còn mắng chị té tát: “Chúng mày tưởng chúng mày đưa vợ tao đi đẻ là tốt lắm à? Cứ để ở nhà, đến khi nào không đẻ được thì mới đưa đi”.
 
Mặc dù vậy, nhưng vì trách nhiệm nên chị không nản lòng. “Mình chỉ làm giúp chỉ mong họ hiểu được sự an toàn cho của thai nhi và người mẹ như thế nào, đôi khi nhận được lời cảm ơn của những người sau khi được “mẹ tròn con vuông” mà mình vui mấy ngày liền, họ không còn cảm thấy sợ hãi khi đến viện”, chị Bay chia sẻ trong niềm hạnh phúc.
 
Lý Thị Bay cho biết, sau khi đào tạo chị cũng cập nhật được nhiều kiến thức hơn để tuyên truyền đến với các phụ nữ dân tộc thiểu số trong xã, đặc biệt là sức khỏe sinh sản. Chị đã cùng trung tâm y tế, trạm xã trên địa bàn tuyên truyền để các gia đình hiểu rằng sinh đẻ nhiều sẽ nghèo đói hơn và con cái họ sẽ không có điều hiện đi học, được chăm sóc sức khỏe và được bảo vệ.
 
Với những nỗ lực không ngừng của chị, càng ngày những ca sinh nở tại nhà trên địa bàn xã càng ít hơn. Cho đến bây giờ chỉ còn 1 – 2 ca sinh tại nhà trong một năm. Khi được hỏi rằng chị có buồn không khi mỗi ngày, mọi người sẽ đi đẻ ở viện mà  không cần chị đỡ đẻ nữa, chị bảo rằng, chị không thấy buồn vì điều đó chứng tỏ công sức vận động và tuyên truyền của chị đã có tác dụng, chị em buôn làng đã hiểu biết được nhiều hơn về sức khỏe sinh sản và biết chăm sóc bản thân mình.
 
Ngoài thời gian đi vận động, làm y tế, dân số, phụ nữ và trẻ em, sốt rét…, chị Lý Thị Bay phải bán hàng tạp hóa ở nhà để có thu nhập nuôi gia đình và con cái như những người phụ nữ khác. Để hoàn thành nhiệm vụ của một “bà đỡ không công”, chị may mắn có một hậu phương vững chắc khi được sự ủng hộ của chồng và con cái.
Nhiều năm qua, những đứa trẻ ra đời tròn trịa nhờ bàn tay khéo léo và nhân ái của chị Lý Thị Bay, cũng có nhiều người mẹ được sinh nở an toàn và có thêm kiến thức về sức khỏe sinh sản, dân số, để đời sống của phụ nữ dân tộc thiểu số ngày càng tốt hơn lên. Với một người làm công tác cộng đồng như chị thì không có niềm vui nào bằng.
“Mình hy vọng rằng sau vài năm nữa, mọi phụ nữ ở đây đều có những kiến thức như mình để đỡ nghèo, đỡ khổ. Đẻ ít con, có sức khỏe thì buôn làng mới phát triển hơn được”, chị Bay chia sẻ mơ ước.
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm