Với đồng bào dân tộc Jrai, việc cưới hỏi có những quy ước rất chặt chẽ, được thể hiện thông qua các nghi lễ, nghi thức, dần trở thành một nét văn hóa đặc sắc được giữ gìn cho đến ngày nay. Trong đó, vai trò của già làng hoặc người có uy tín rất quan trọng trong việc hỗ trợ các đôi trai gái nên duyên vợ chồng và tư vấn, hòa giải để duy trì gia đình hạnh phúc.
Các chàng trai, cô gái Jrai trước khi về chung một nhà đều trải qua những nghi thức truyền thống. Già làng hoặc người có uy tín trong làng sẽ làm mai mối cho đôi bên. Thông qua già làng, cô gái sẽ gửi cho chàng trai một chiếc vòng tay thay lời tỏ tình. Về phía chàng trai được tỏ tình, khi nhận được vòng, nếu không ưng thuận chàng trai phải gửi trả lại vòng cho ông mối. Còn nếu chàng trai đồng ý, sẽ nhận vòng cầu hôn, đeo vào tay và xem như đã chấp nhận cho cô gái "bắt" mình về làm chồng.
Khi chàng trai nhận vòng tay và hai bên gia đình đồng ý, già làng sẽ báo với làng về việc hai gia đình đã đồng ý cho đôi trẻ lấy nhau. Già làng sẽ đưa ra những cam kết với hai gia đình và cô dâu, chú rể: "Hai cháu đã thương nhau và đồng ý lấy nhau và cũng được sự đồng ý của hai bên gia đình.
Trong lễ cưới của người Jrai, già làng là người chủ lễ sẽ cúng trời đất, thần núi, thần rừng, thần nước, thần ruộng và cuối cùng là cúng nhà rông. Lễ vật không thể thiếu trong lễ cưới của người Jrai là rượu ghè và cơm nắm… Ngày "bắt chồng", nhà gái sẽ mang cặp gà hoặc con một con heo, thậm chí là con bò sang nhà trai làm lễ với sự chứng kiến của cha mẹ hai bên, họ hàng và làng xóm.
Chủ lễ gọi Nữ thần Mặt trời, gọi Mẹ Đất về chứng giám cho đôi nam nữ và hai dòng họ. Chủ lễ sẽ đọc những lời cầu nguyện cũng là lời nhắc nhở cho cả cô dâu và chú rể: Cầu cho cô dâu, chú rể có nhiều sức khỏe và sinh sống với nhau hiền hòa như nước. Nhờ các vị thần giúp đỡ hai vợ chồng. Khi đi làm ruộng, làm nương làm rẫy, khi đi xúc cá, bắt cua luôn đi cùng nhau, không xa rời nhau. Chồng vác cuốc, vợ mang gùi, chồng đi trước, vợ đi sau, ai bị ngã người kia phải kéo lên. Khi đi làm phải nói chuyện, đùa giỡn với nhau vui vẻ.
Nghi thức cuối cùng trong lễ cưới là lúc cô dâu, chú rể trao nhau chiếc vòng tay bằng đồng. Đây được xem như tín vật, một sự cam kết của hai người sống bên nhau trọn đời.
Phần kết thúc lễ cưới, đôi vợ chồng trẻ đứng bên nhau mời rượu, thịt mọi người trong tiếng cồng, tiếng chiêng chúc mừng hạnh phúc. Lúc này, tất cả họ hàng và khách đến dự cùng uống chén rượu cần, nắm tay nhau múa điệu xoang xoay vòng, cùng ăn uống với hai bên gia đình để chúc phúc cho đôi vợ chồng mới.
Già làng Ksor Kol (TP Pleiku, Gia Lai) cho biết: "Đám cưới của người Jrai phải có già làng làm mối cho mới được cưới. Nếu yêu nhau, già làng chưa biết, họ hàng, buôn làng mà chưa chấp nhận thì chưa được làm đám cưới. Trước ngày làm đám cưới, hai bên thông báo cho họ hàng biết đến dự. Họ hàng đến dự thường mang theo gà, heo, rượu, tiền hay những vật dụng khác để chung vui cùng hai gia đình".
Khi đã được già làng chứng nhận là vợ chồng trước toàn thể dân làng, nếu sau này hai người bỏ nhau, người bỏ trước sẽ chịu phạt 5 con bò, 1 con heo, 100kg gạo và 100 lít rượu để bồi thường cho gia đình người bị bỏ. Theo già làng Ksor Kol, hình thức phạt này muốn nhắc nhở mọi người biết quý trọng giá trị gia đình, có xích mích phải đóng cửa bảo nhau hoặc nhờ già làng phân xử chứ không được tự ý bỏ nhau.
Già làng không chỉ đóng vai trò kết duyên của đôi lứa mà còn là người giáo dục về tình nghĩa vợ chồng trong các mối quan hệ gia đình, dòng tộc. Họ là những người góp phần gắn kết cộng đồng, lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc trong xã hội hiện đại ngày nay.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn