pnvnonline@phunuvietnam.vn
Trẻ em Chơ Ro gắn bó với nhà văn hóa dân tộc
Trẻ em Chơ Ro say mê đọc các sách, truyện tại Nhà văn hóa dân tộc Bàu Chinh. Ảnh: Hoàng Hậu
Nơi trẻ em Chơ Ro vui chơi, giải trí
Những ngày hè, hoặc những ngày không bận học ở trường Tiểu học Phan Đình Phùng, hai chị em ruột Đào Dương Linh Đan, sinh năm 2015 và Đào Dương Linh Đa, sinh năm 2018, dân tộc Chơ Ro, lại cùng rủ nhau tới Nhà văn hóa dân tộc Bàu Chinh để đọc sách và học bài.
"Tụi con thích tới đọc truyện tranh trong Nhà văn hóa dân tộc. Nhiều lúc tụi con mang tập vở tới ngồi học, làm bài tập về nhà. Nếu có các chương trình dành cho thiếu nhi tại đây, tụi con rất thích tham gia", bé Đào Dương Linh Đan nói. Đan cũng là một trong các bé dân tộc Chơ Ro vừa tham gia cuộc thi Tiếng hát sơn ca vào tháng 7/2024 do các cơ quan, đoàn thể tại huyện Châu Đức tổ chức. Cô bé có giọng hát cao vút, thể hiện âm điệu riêng, thuyết phục toàn bộ Ban giám khảo để nhận phần thưởng của cuộc thi.
Em Đào Trọng Nhân, học sinh lớp 10, trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, cũng là một trong các cá nhân tham gia tích cực các hoạt động, phong trào tại đây. Mới đây, Nhân đã tham gia chương trình ca hát với tiết mục Tiếng hát bên ngôi trường mới. Bài hát được thầy giáo Đào Văn Phước, Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh sáng tác, và Đào Trọng Nhân đã thể hiện với 2 ngôn ngữ Chơ Ro và Kinh.
Theo đại diện Hội LHPN huyện Châu Đức, việc chăm lo đời sống đồng bào và công tác chính sách dân tộc của địa phương được thực hiện tích cực nhiều năm qua, trong đó, với việc xây dựng mới Nhà văn hóa dân tộc Bàu Chinh từ năm 2002 đã trở thành nơi sinh hoạt, học tập và tổ chức các chương trình văn hóa cho đồng bào dân tộc trên địa bàn.
Ngoài Nhà văn hóa dân tộc Bàu Chinh, đồng bào Chơ Ro sinh sống tại huyện Châu Đức còn có thể sinh hoạt tại Nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng Thôn 1, xã Bình Trung và Nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng ấp Sơn Thành, xã Sơn Bình. Tuy nhiên, Nhà văn hóa Dân tộc Bàu Chinh có nhiều hoạt động nên tập hợp đông đảo đồng bào Chơ Ro tới sinh hoạt nhất. Các bà, các mẹ thì sau giờ cơm tối, dẫn các con, các cháu qua Nhà văn hóa dân tộc Bàu Chinh, người nào cũng đều có công việc, thú chơi của người nấy. Các bà, các mẹ thì tập thể dục thể thao cùng các máy móc tập nằm trong Nhà văn hóa, còn tụi nhỏ thì đọc sách và làm bài tập về nhà.
Theo đại diện Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện Châu Đức, Nhà văn hóa dân tộc Bàu Chinh được xây dựng từ năm 2002 và được xem là công trình công cộng phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí cho đồng bào dân tộc, đặc biệt là đồng bào dân tộc Chơ Ro hiện đang chiếm hơn 90% dân số của xã Bàu Chinh. Đây còn là nơi bảo tồn và phát huy hiệu quả lễ hội nhang lúa, nhang rừng và lưu giữ nhiều di sản văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc Chơ Ro.
Cách đây vài năm, huyện Châu Đức đã mở rộng với diện tích khuôn viên hơn 6.000m2, nâng cấp Nhà văn hóa dân tộc Bàu Chinh với tổng vốn đầu tư hơn 14 tỷ đồng. Điều này giúp cho Nhà văn hóa dân tộc này có diện mạo mới, mang lại niềm vui cho đồng bào Chơ Ro khi họ đã có một tụ điểm sinh hoạt văn hóa khang trang. Đặc biệt, Nhà văn hóa trưng bày khá nhiều các hiện vật, bày trí thư viện và tổ chức các hoạt động giải trí nhằm làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào dân tộc. Hiện, trong Nhà văn hóa dân tộc Bàu Chinh đang trưng bày một số bộ cồng chiêng, trang phục, gùi, nỏ, mẹt, nhạc cụ goongkla, kèn bầu, kèn lá, kèn tre… và một số hình ảnh sinh hoạt của đồng bào Chơ Ro. Những hiện vật ở Nhà văn hóa giúp các thế hệ trẻ hiểu thêm phần nào về cuộc sống, văn hóa của đồng bào Chơ Ro.
Nâng cao văn hóa đọc cho trẻ em dân tộc Chơ Ro
Một trong những điểm ấn tượng tại Nhà văn hóa dân tộc Bàu Chinh, chính là những người vận hành, quản lý đã rất chú trọng để phát triển văn hóa đọc cho trẻ em dân tộc Chơ Ro. Thư viện nằm trong Nhà văn hóa dân tộc Bàu Chinh được hoạt động ngay sau khi Nhà văn hóa xây dựng, với 10 tủ sách và khoảng 7.000 đầu sách các loại, gồm tạp chí nông nghiệp, kỹ năng, truyện tranh thiểu nhi, sách văn hóa dành cho học sinh như văn học, địa lý. Nguồn sách được cung cấp từ thư viện tỉnh, thư viện huyện và Chi hội Văn học các dân tộc thiểu số nằm tại địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Chị Dương Thị Triên - Phó Chủ nhiệm Nhà văn hóa dân tộc Bàu Chinh - cho biết, trẻ em tới đọc sách đông nhất vào lúc nghỉ hè. Khi các con đã vào học trong nhà trường, thì thời gian đọc sách cũng bị thu hẹp lại. "Nhưng hàng ngày các con vẫn tới chơi tại Nhà văn hóa dân tộc mỗi khi rảnh rỗi. Chúng tôi mở cửa từ 8h sáng tới 17h chiều mỗi ngày. Ngày thứ 7 và Chủ nhật thì nghỉ".
Mỗi năm, Nhà văn hóa dân tộc Bàu Chinh đều có các hoạt động như Triển lãm sách cho trẻ em dân tộc, Ngày Văn hóa đọc... Vào ngày thường, có khi Nhà văn hóa dân tộc Bàu Chinh thu hút khoảng chừng 100 người đến sinh hoạt, giải trí. Nhưng vào các dịp tổ chức Triển lãm sách, Ngày Văn hóa đọc, hoạt động văn nghệ, lễ hội, bà con đồng bào tập trung tới vài trăm người. Trẻ em Chơ Ro tại Bàu Chinh và các xã xung quanh luôn háo hức với các đầu sách mới, các cuốn truyện tranh, các cuốn sách mở mang thêm nhiều kiến thức.
Để thu hút các em, Nhà văn hóa Dân tộc Bàu Chinh còn phối hợp với trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mở lớp dạy đọc và viết tiếng dân tộc Chơ Ro; mở câu lạc bộ lớp truyền dạy đánh cồng chiêng, các loại nhạc cụ dân tộc như goongkla, các điệu múa, điệu hát dân ca của đồng bào Chơ Ro cho các thanh, thiếu niên để các em hiểu, thêm yêu văn hóa truyền thống dân tộc mình, qua đó góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc.