Kể từ năm 2019 (năm mà đợt bùng phát Covid-19 lần đầu tiên được báo cáo), virus đã đột biến nhiều lần. Với các đột biến tiếp theo, nhiều "biến thể đáng quan tâm" bắt đầu xuất hiện, bắt đầu với Alpha, đáng kể nhất sau đó là Delta và Omicron.
Biến thể Omicron cho đến nay là phiên bản đột biến của virus gây bệnh COVID-19, chiếm số ca nhiễm tối đa trên toàn cầu. Tuy nhiên, biến thể này cũng đã đột biến và hình thành các biến thể phụ, chẳng hạn như BA.4 và BA.5.
Chiều 27/6, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Phan Trọng Lân cho biết, Việt Nam đã ghi nhận biến chủng phụ của Omicron là BA.5, có khả năng sẽ lấn lướt các biến chủng cũ. Theo ông, chuyện xâm nhập biến chủng mới là tất yếu khi Việt Nam đang áp dụng các chính sách bình thường mới, mở cửa du lịch, giao thông, đi lại… Khi có xâm nhập chủng mới, ông Lân cảnh báo có thể có nguy cơ lấn lướt chủng cũ. Bộ Y tế sẽ tiếp tục chủ động giám sát, đề xuất điều chỉnh biện pháp chống dịch phù hợp.
Mới đây, Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) cảnh báo 2 biến thể phụ của Omicron là BA.4 và BA.5 sẽ lây lan rộng. Theo đó, biến chủng này có khả năng làm gia tăng số người lây nhiễm cần nhập viện điều trị hoặc tử vong và điều này sẽ gây áp lực cho nền y tế.
Hồi tháng 3/2022, WHO đã bổ sung biến chủng BA.4 và BA.5 vào danh mục các biến thể cần giám sát trong khi ECDC liệt hai dòng phụ này vào danh mục "các biến thể đáng lo ngại".
Tại các quốc gia khác, sự có mặt của biến chủng phụ BA.5 cũng được ghi nhận. Khoảng một nửa trong số hơn 100.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày tại Đức là nhiễm biến thể BA.5. Còn tại Mỹ, số ca nhiễm biến thể phụ BA.5 cũng chiếm gần 1/4 số ca mắc Covid-19 và có nguy cơ trở thành biến thể chủ đạo trong thời gian tới. Trên cơ sở sự gia tăng của BA.5 ở Thụy Sĩ, Christian Althaus - nhà dịch tễ học tính toán tại Đại học Bern ước tính rằng khoảng 15% người dân ở nước này sẽ bị nhiễm virus.
Một phân tích hồi tháng 5 phát hiện ra rằng BA.4 và BA.5 có chung nguồn gốc với các chủng Omicron trước đó. Nhưng một phân tích chưa được công bố của các nhà di truyền học tiến hóa Bette Korber và William Fischer tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos ở New Mexico, Mỹ, cho thấy các biến thể này có thể là các nhánh của BA.2. Cả BA.4 và BA.5 mang những đột biến độc đáo trong protein gai của virus có thể điều chỉnh khả năng bám vào tế bào vật chủ và điều chỉnh một số phản ứng miễn dịch.
Tiến sĩ Lalit Kant, cựu trưởng khoa dịch tễ học và bệnh truyền nhiễm thuộc Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR), nói rằng không thể loại trừ khả năng BA.5 thúc đẩy làn sóng lây nhiễm Covid-19 hiện tại và có thể đưa ra đánh giá thích hợp sau khi có dữ liệu toàn diện từ chính phủ.
"Các biến chủng phụ BA.4 và BA.5 của Omicron được biết là có khả năng lây truyền cao hơn khoảng 13% so với các biến chủng BA.1 và BA.2 trước đó và đang dần trở thành các chủng phụ chiếm ưu thế ở châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy các chủng này nguy hiểm hơn", ông nói.
Đột biến trên protein gai khiến BA.5 có khả năng lây lan nhanh hơn BA.1 và BA.2 trước đó, thậm chí có thể điều chỉnh một số phản ứng miễn dịch.
Dù không khiến người nhiễm gặp phải biến chứng nặng, song BA.5 vẫn có khả năng làm gia tăng số người lây nhiễm cần nhập viện điều trị và gây áp lực cho hệ thống y tế.
Cũng như các triệu chứng khác của biến chủng Omicron, người nhiễm biến chủng BA.5 thường nhẹ
Khi nhiễm biến chủng mới BA.5, người bệnh có thể thấy xuất hiện những triệu chứng sau đây:
1. Sốt hoặc ớn lạnh
2. Khó chịu
3. Mất khứu giác
4. Ho
5. Mệt mỏi
6. Nghẹt mũi hoặc sổ mũi.
Ngoài các triệu chứng đã đề cập ở trên, CDC cũng đã kêu gọi mọi người cẩn thận với những triệu chứng này:
- Khó thở
- Đau nhức cơ bắp hoặc cơ thể
- Chứng nhức đầu
- Đau họng
- Buồn nôn hoặc ói mửa
- Tiêu chảy
Với sự xâm nhập của biến thể phụ BA.5, các chuyên gia và tổ chức quốc tế khuyến cáo cần duy trì biện pháp ứng phó như tiêm vắc-xin Covid-19 tăng cường, mũi nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh và tăng cường hệ thống giám sát trọng điểm.
Theo các chuyên gia y tế, các loại vắc-xin có hiệu lực bảo vệ khác nhau, nhưng đều giúp giảm tỉ lệ bệnh nặng, ca tử vong.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá, dịch phức tạp và khả năng gia tăng trở lại. Biến chủng Omicron hiện là chủ yếu nhưng vẫn chưa phải là cuối cùng. WHO khuyến cáo các quốc gia cần duy trì, tăng cường hệ thống giám sát trọng điểm nguy cơ cao và tiêm phòng vắc xin Covid-19.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn