Theo số liệu của Bộ Y tế, Việt Nam đang nằm trong số 15 quốc gia có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới với khoảng 15,3 triệu người hút và 33 triệu người bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động. Mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá. Sử dụng thuốc lá là yếu tố nguy cơ chính gây ra các bệnh tim mạch và hô hấp, hơn 20 loại ung thư và nhiều bệnh tật nghiêm trọng khác. Hầu hết trường hợp tử vong do hút thuốc nằm ở nhóm nam giới đang trong độ tuổi sung sức; họ bỏ lại vợ, con, cha mẹ, bạn bè và công việc.
Một trong những lý do khiến tỉ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam còn cao, theo các chuyên gia, do giá bán của sản phẩm này quá rẻ, mức thuế đối với thuốc lá còn thấp. Mặt khác, thuốc lá ngày càng trở nên dễ mua hơn khi thu nhập của người dân tăng lên.
Ths Đào Thế Sơn - Tổ chức Y tế cộng đồng toàn cầu (Vital Strategies) cho biết, xu thế tiêu dùng của người Việt Nam đối với các sản phẩm như thuốc lá, rượu bia vẫn khá cao và có xu hướng tăng lên nếu không thực hiện các biện pháp điều tiết.
Giá thuốc lá đang ngày càng rẻ đi tương đối so với các mặt hàng khác. Tình hình kinh doanh của ngành thuốc lá vẫn khả quan, tăng trưởng trong giai đoạn dài. Các chỉ số sản xuất công nghiệp và tiêu thụ cho thấy tình hình kinh doanh thuốc lá vẫn tăng trưởng tốt trong 10 năm vừa qua. Trong khi xu thế bệnh tật và kéo theo là chi phí y tế đáng lo ngại hơn nhiều.
Hiện nay, giá 1 bao thuốc lá là 15.000 đồng, theo chuyên gia kinh tế Đào Thế Sơn, mức giá này là quá rẻ, lý do là giá thuốc bán ra đang bị tính thiếu. Tại Việt Nam, theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế Y tế năm 2022, tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỷ đồng một năm. Trong khi mỗi năm, lượng tiêu thụ trong nước khoảng 4,3 tỉ bao thuốc. Tính ra, trung bình mỗi một bao thuốc gây chi phí bệnh tật, tử vong tới 25.000 đồng.
Theo ông Sơn, con số 25.000 đồng này hoàn toàn chưa được tính vào giá thành của thuốc lá. Nếu tính đúng, tính đủ thí giá thành một bao thuốc lá phải là 40.000 đồng. Điều này dẫn đến người tiêu dùng quá nhiều, nhà sản xuất sẽ sản xuất quá nhiều. "Việc tính thiếu chi phí do bệnh tật dẫn đến giá thuốc lá quá rẻ", ông Sơn nói và cho hay các mức thuế hiện tại cũng mới chỉ phần nào gỡ lại cho thiệt hại y tế đối với toàn dân. Việc tăng đáng kể mức thuế và giá thuốc lá là biện pháp hiệu quả nhất để giúp giảm tỷ lệ hút thuốc.
Trước những lo ngại về việc tăng thuế thuế lá sẽ gây ra những tác động đến việc làm hay làm gia tăng tình trạng buôn lâu, ông Sơn cho hay, việc làm tạo ra trong ngành thuốc lá chỉ chiếm từ 0.39% đến 0.42% tổng việc làm trong nền kinh tế. Số lao động trong nhà máy thuốc lá chỉ khoảng 10.000 lao động, đây là ngành không cần nhiều lao động.
Bên cạnh đó, WHO đã phân tích số liệu từ 94 quốc gia năm 2018 cho thấy, không có mối liên quan rõ ràng giữa tình trạng buôn lậu thuốc lá và giá thuốc lá ở các quốc gia. Tại các quốc gia có mức giá thấp, buôn lậu thậm chí lại xảy ra nhiều hơn so với những quốc gia có mức giá và thuế cao.
"Hầu hết các lo ngại về ảnh hưởng không mong muốn của tăng thuế thuốc lá là thiếu cơ sở và được phóng đại rất nhiều", ông Đào Thế Sơn nói và cho rằng để đạt mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc, cần tăng thuế theo khuyến cáo của Bộ Y tế và WHO, bổ sung thuế tuyệt đối 5.000 đồng/bao từ 2026 và tăng lên thành 15.000 đồng/bao năm 2030.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn