Thuật ngữ "giang hồ mạng" lâu nay được biết đến nhằm chỉ hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội với thân thể xăm trổ đầy mình, quay clip tự khoe thân với triết lý sống "không giống ai", lời lẽ lúc thì sặc mùi ân oán giang hồ, chửi thề tục tĩu, lúc lại rao giảng đạo nghĩa anh em, chiến hữu, khi thì khoe cuộc sống hào nhoáng... Nhiều người cho rằng, đó chỉ là những kẻ vô công rỗi nghề, lên mạng "cào bàn phím" xưng hùng xưng bá trên thế giới ảo. Nhưng cho đến nay, hiện tượng này đã bộc lộ những dấu hiệu là mầm mống gây bất ổn xã hội, cần phải xử lý dẹp bỏ dứt điểm.
Những hình ảnh, clip về những tay anh chị xăm trổ, bặm trợn, ăn mặc lố lăng, nói năng thô tục, thách thức nhau trên mạng xã hội đã tạo lên những hiện tượng phản văn hóa, phi đạo đức, đi ngược với các giá trị chuẩn mực xã hội. Nó đang diễn ra nhan nhản trên các nền tảng mạng xã hội. Trước kia, những hiện tượng này thường được cho là "rác mạng" với mục đích lối kéo người xem (câu like, câu view) trên mạng xã hội. Cho đến nay, hiện tượng này đã phát triển biến tướng rất nhanh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho xã hội.
Gần đây trên mạng xuất hiện màn tranh cãi thách đấu giữa giang hồ mạng Khánh Sky và Tiến Bry rất nảy lửa. Nhưng sau đó Khánh Sky lên mạng tự nhận là làm theo kịch bản của Huấn Hoa hồng, nhằm tạo thành một vụ việc bê bối (tạo scandal) để thu hút nhiều tương tác phục vụ bán hàng online.
Hay như một nhân vật ở Khoái Châu, Hưng Yên, lên mạng thách đấu với Huấn Hoa hồng khiến nhân vật Huấn Hoa hồng tìm về tận Khoái Châu để "thực chiến". Công an huyện Khoái Châu đã phải triển khai lực lượng ra giải tán đám đông, bảo đảm an ninh trật tự. Nhưng vài hôm sau, các đối thủ này lại tay bắt mặt mừng, vui như thể chiến hữu thân thiết lâu ngày gặp lại nhau.
Có thời điểm "giang hồ mạng" đua nhau tham gia sản xuất những phim ngắn (video clip) để phát lên mạng xã hội như Phú Lê, Giang rồng, Dũng trọc, Hiệp đen, Đường nhuệ… Dù đó đều là những nội dung lố lăng, đậm chất bạo lực và phản văn hóa nhưng lại thu hút được hàng chục triệu lượt xem, tạo thành trào lưu trong đời sống của một bộ phận giới trẻ.
Hết thời sản xuất video clip thì lại đến trào lưu ra MV (video ca nhạc) như Huấn Hoa hồng, Long chín ngón… Nội dung cũng lố lăng, kệch cỡm. Mỗi khi các clip này được tung lên mạng xã hội là lại khiến cộng đồng mạng bình phẩm chê bai. Thế nhưng, điều đó lại được cho là sự thành công của chủ MV bởi cái họ cần là để câu like và câu view. Họ bất chấp các ý kiến chê trách và bị cho là truyền bá lối sống lệch lạc, đi ngược giá trị văn hóa dân tộc.
Những hành vi đáng quan tâm lên án hơn, chính là sự biến tướng của "giang hồ mạng". Đó là việc những "giang hồ mạng" thường xuyên tụ tập ăn nhậu ở các nhà hàng, tụ điểm, tập hợp "quân số" kết bè kết phái lên tới hàng chục, hàng trăm người. Hay việc đi đón các đối tượng tiền án, tiền sự, đối tượng ra tù, rồi tung hô, suy tôn thành "người anh lớn". Những kẻ muốn có "số" sẽ tìm đến chào hỏi, ra mắt anh lớn, sau đó khoe lên mạng xã hội. Thậm chí có những "va chạm" theo kiểu dàn dựng. Cũng nhờ đến "anh lớn" giải quyết can thiệp. Rồi khoe lên mạng xã hội, như một thành tích.
Ngoài ra còn có cả những việc được cho là "thế thiên hành đạo", nhân danh công lý, lẽ phải để đứng ra giải quyết thay pháp luật. Chẳng hạn như nhân vật Thắng cá chép, thường xuyên dàn dựng các clip "bênh vực kẻ yếu thế", đập phá ô tô giữa đường chỉ vì lời thách thức.
Đây là những dấu hiệu được cho là trào lưu tụ tập kiểu "giang hồ hảo hán" trên mạng xã hội. Có thông tin cho rằng, những việc làm trên đều có sự dàn dựng theo kịch bản nhằm thu hút sự chú ý của xã hội. Những vụ này bước đầu chỉ là dàn dựng theo kịch bản nhưng rất có thể sẽ đi vào đời sống xã hội, khi mà các "giang hồ mạng" can thiệp vào các mối quan hệ làm ăn, giao dịch trong đời sống thực.
Ngoài ra, với những hành vi thường xuyên tụ tập đông người để ăn nhậu của nhóm giang hồ mạng, rất dễ gây kích động làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn