Theo tờ Daily Star (Anh), một bức tranh chân dung trong Phòng trưng bày Quốc gia Anh đã khiến những người hâm mộ nghệ thuật bối rối sau khi một bà mẹ và con gái phát hiện ra thứ dường như là bằng chứng về du hành xuyên thời gian trên bức tranh.
Bức tranh "Portrait of a Boy" (tạm dịch: Chân dung Cậu bé) của họa sĩ bậc thầy người Hà Lan Ferdinand Bol vào thế kỷ 17 vẽ một cậu bé tám tuổi đang đứng, tay cầm một chiếc cốc và đặt lên chiếc bàn được phủ một tấm vải đỏ.
Có thể thấy, cậu bé mặc áo khoác và áo choàng màu đen, áo sơ mi trắng có tay áo xếp nếp, đi tất màu nâu vàng và giày đen.
Tuy nhiên, khi nhìn kỹ hơn, đôi giày dường như có logo Nike màu trắng ở một bên, mặc dù bức tranh đã được vẽ hơn 300 năm trước khi thương hiệu này được thành lập vào năm 1964.
Fiona Foskett, 57 tuổi, có "đôi mắt cú vọ", đã phát hiện ra điều mới lạ trong chuyến thăm quan Phòng trưng bày Quốc gia ở London cùng với cô con gái Holly, 23 tuổi.
Bà Fiona - đến từ Isle of Wight - nói với phóng viên The Sun: "Tôi có nói với con gái mình, 'Khoan đã, cậu bé có đang đi một đôi giày thể thao của Nike không nhỉ?' Nhìn vào niên đại [của bức tranh], chắc hẳn cậu bé đã có trong tay đôi giày thể thao Nike đầu tiên được sản xuất. Hay cậu bé thực sự là một nhà du hành xuyên thời gian?"
Theo tờ Daily Star, mọi người cho rằng, cậu bé trong bức tranh có thể là Frederick Sluysken - em họ thứ hai của vợ họa sĩ Ferdinand Bol.
Người phát ngôn của Phòng trưng bày Quốc gia nói với phóng viên The Sun: "Chúng tôi rất vui vì bức tranh này đã gây ấn tượng mạnh với khách tham quan. Điều đó đã gây được tiếng vang với những người theo dõi khi chúng tôi đưa ra một Tweet thử thách mọi người xem liệu họ có thể phát hiện ra một chi tiết 'hiện đại' hơn hay không bằng cách xem xét kỹ hơn đôi giày của cậu bé tám tuổi trong bức tranh chân dung."
Theo tờ Daily Star, đây không phải là lần đầu tiên một đồ vật hiện đại được phát hiện trong một tác phẩm nghệ thuật cổ. Trước đó, những người đam mê nghệ thuật đã phát hiện ra thứ dường như là một chiếc iPhone trong một bức tranh được vẽ gần 90 năm trước.
Họa sĩ Umberto Romano đã vẽ bức tranh "Mr Pynchon And The Settling Of Springfield" (tạm dịch: Ông Pynchon và Khu định cư Springfield) vào năm 1937, 70 năm trước khi phiên bản đầu tiên của điện thoại thông minh iPhone được hãng Apple phát hành.
Nhưng bất chấp sự khác biệt về thời gian, người hâm mộ khẳng định rằng họ có thể nhìn thấy ở góc dưới cùng bên phải của bức tranh có một người đàn ông cài lông vũ trên tóc, ngồi trong một chiếc bồn đựng đầy bình gốm. Người thổ dân này đang cầm một đồ vật trên tay phải, trông rất giống tư thế người thời nay cầm điện thoại thông minh và vuốt màn hình bằng ngón cái.
Nhiều người đã cố gắng đoán xem món đồ giống như điện thoại thông minh đó có thể là gì, một số cho rằng đó có thể là một chiếc gương.
Rất đáng tiếc, họa sĩ Romano đã qua đời vào năm 1982 – trước khi hầu hết mọi người có điện thoại di động – nên chúng ta sẽ không bao giờ biết đồ vật mà người thổ dân cầm trong bức tranh là gì.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn