Tết Nguyên đán luôn là dịp để mỗi người ôn cố, tri tân. Tái hiện lại không gian Tết xưa chính là cách để những người lớn tuổi nhớ về những kỷ niệm đẹp và là dịp để những người trẻ quay về với Tết truyền thống thuở trước.
Trong những ngày đầu tiên của xuân Giáp Thìn 2024, tại Hà Nội có nhiều địa chỉ để bạn cùng gia đình trải nghiệm Tết xưa, Tết truyền thống và Tết của các đồng bào, dân tộc trên mọi miền Tổ quốc.
Từ nay đến ngày 28/2, tại khu vực Phố cổ Hà Nội diễn ra nhiều các hoạt động văn hóa, trưng bày giới thiệu về Tết cổ truyền.
Tiêu biểu: Tại Ngôi Nhà di sản (87 Mã Mây), bạn được hòa vào không gian trang trí, sắp đặt Tết truyền thống với cách sinh hoạt, đón Tết của một gia đình Hà Nội xưa.
Tại đình Kim Ngân sẽ tổ chức thực hiện lễ rước truyền thống với chủ đề Tết Việt và hoạt động biểu diễn nghệ thuật âm nhạc truyền thống diễn ra vào ngày mồng 2 Tết.
Tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, số 50 phố Đào Duy Từ thực hiện trang trí không gian Tết truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ và trưng bày các sản phẩm tranh, gốm… chủ đề con giáp của năm 2024; biểu diễn âm nhạc truyền thống nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc và giao lưu văn hoá với các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hoá nói chuyện về Tết truyền thống của người Việt.
Tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật, 22 Hàng Buồm sẽ trưng bày giới thiệu sản phẩm gốm Bát Tràng chủ đề Gốm Rồng và tổ chức trình diễn thư pháp Việt.
Đón sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc
Ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc" tại Làng văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) được tổ chức trong tháng 2/2024 với các hoạt động lễ hội đặc sắc, trò chơi dân gian tiêu biểu, các món ăn truyền thống dịp năm mới và các loại sản vật đặc trưng của từng dân tộc.
"Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc" năm 2024 có sự tham gia của hơn 100 đồng bào đến từ 16 dân tộc: Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Lào, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer. Cùng với đó là sự tham gia của 11 địa phương, với các điểm nhấn của các địa phương có đồng bào hoạt động hàng ngày tại Làng Văn hóa: Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Thừa Thiên Huế, Ninh Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Sóc Trăng.
Đây là dịp bạn và gia đình được trải nghiệm nhiều hoạt động tổ chức theo chủ đề như: Hội tung còn ngày xuân của đồng bào Thái, Lào, Khơ Mú, Tày, Nùng; chương trình giao lưu "Hoa xuân Tây Bắc" với chương trình nghệ thuật và trò chơi dân gian truyền thống ngày xuân của đồng bào Mông, Thái, Khơ Mú, Lào; Chương trình dân ca dân vũ "Buôn làng khi mùa xuân về" giới thiệu các bài ca, điệu múa mang nét rộn ràng của mùa xuân... Tại ngày hội, đồng bào dân tộc Tày đến từ tỉnh Thái Nguyên sẽ tổ chức tái hiện lễ hội Lồng Tồng - lễ hội tiêu biểu nhất của các dân tộc Tày, Nùng với mục đích cúng tạ trời đất đã ban cho buôn làng, dòng họ, gia đình, sức khoẻ dịp đầu năm mới cầu mong một năm thuận hòa, đầm ấm, no đủ.
Khám phá di sản Hội An trong lòng Hà Nội
Chương trình Vui xuân Giáp Thìn tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (đường Nguyễn Văn Huyên, Hà Nội) kéo dài từ mùng 4 đến mùng 9 Tết (13-18/2/2024).
Bên cạnh các hoạt động trải nghiệm đón Tết cổ truyền như: vẽ thư pháp, viết câu đối, chơi các trò chơi dân gian ngày Tết, khám phá ẩm thực Tết của các miền; năm nay, bạn còn được tham gia các hoạt động tìm hiểu về Tết cổ truyền và khám phá di sản văn hoá Hội An trong lòng Hà Nội. Đó là: chơi bài chòi, trình diễn hò khoan xứ Quảng, múa rồng…
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn