Trong một tuyên bố được đưa ra hôm 13/8, cựu quan chức họ Seok cho biết ông thực sự xin lỗi vì đã làm tổn thương các giáo viên và nhân viên nhà trường.
"Tôi rất đau lòng vì sự việc này, lòng biết ơn của tôi đối với các giáo viên đã hướng dẫn và bảo vệ con tôi đã bị tổn hại", ông Seok nói. "Là một quan chức chính phủ cấp thấp trong 20 năm qua, tôi đã hỗ trợ các hoạt động giáo dục với sự tôn trọng tối đa dành cho giáo viên".
Tuy nhiên, tôi đã không thể giải quyết một cách khôn ngoan vấn đề liên quan đến con của mình, vốn có trí thông minh hạn chế".
Ông Seok bị cáo buộc gửi email bắt nạt đến một giáo viên, trong đó có một danh sách các quy tắc phải tuân theo trong lớp học mà nhiều người cho rằng vô lý.
Ông nói rằng các quy tắc chỉ đơn giản là hướng dẫn được cung cấp bởi một cơ sở trị liệu, không phải do ông tự nghĩ ra.
"Khi tôi nói với hiệu trưởng rằng gia đình chúng tôi đang tiến hành điều trị ADHD (hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý) cho con mình, tôi được khuyên nên cung cấp bất kỳ thông tin liên quan nào, và tôi đã làm điều đó với giáo viên chủ nhiệm", ông Seok cho biết.
Ông cho biết rằng bây giờ ông mới nhận ra rằng giáo viên nhận được email có thể đã bị xúc phạm mà không biết toàn bộ câu chuyện.
"Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng cảm xúc của các giáo viên sẽ bị tổn thương trước sự hướng dẫn của cơ sở trị liệu, cháu đang gặp khó khăn trong việc thích nghi trong lớp học".
Ông nói thêm rằng vấn đề duy nhất mà ông nêu ra là làm thế nào mà con ông, vốn "chậm chạp" và gặp khó khăn để thích nghi trong lớp, lại bị bỏ lại một mình trong lớp và phải vật lộn khó khăn với việc ăn trưa.
Ông Seok cho biết, ông không bao giờ cố ý lạm dụng quyền lực của mình trong Bộ Giáo dục Hàn Quốc để gây áp lực cho giáo viên.
Vị quan chức này đã bị chỉ trích, đặc biệt là trên mạng xã hội Hàn Quốc, vì trong email gửi giáo viên nói trên có 9 quy tắc để đối xử đặc biệt với con ông.
Theo nội quy trong thư, giáo viên không bao giờ được dùng những từ ngữ tiêu cực như "không" hoặc "dừng lại"; không bao giờ ép trẻ ăn bất cứ thứ gì trẻ không muốn; luôn đứng về phía trẻ khi tranh cãi với bạn bè; không bao giờ nói với trẻ bằng giọng điệu ra lệnh; luôn có những cử chỉ cường điệu; luôn khen ngợi - xin lỗi và luôn cho phép trẻ từ chối đi học...
Ngoài ra, nội dung email còn nói rằng con ông có "ADN của vua chúa" và phải được xưng hô như một vị vương tử.
Ông Seok đã báo cáo giáo viên chủ nhiệm lớp ba của con mình vào năm ngoái với chính quyền về hành vi lạm dụng trẻ em. Giáo viên đó phải đối mặt với án kỷ luật, bao gồm cả việc bị loại khỏi các lớp đang giảng dạy.
Theo cáo buộc, giáo viên đã để con ông Seok một mình trong lớp sau khi em từ chối tham gia lớp học được tổ chức ở phòng khác.
Tuy nhiên, cảnh sát và văn phòng công tố đã hủy bỏ vụ án mà không có tiến hành cáo buộc với giáo viên.
Sau đó, Seok gửi danh sách cho một giáo viên mới được bổ nhiệm thông qua e-mail công việc của ông, trong đó nói rõ rằng ông là một quan chức của Bộ Giáo dục. Theo Seok, hướng dẫn đến từ một tổ chức tư nhân, Viện nghiên cứu sức mạnh não bộ GG.
Người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của viện GG, Kim Eui-chul, cho biết trẻ mắc chứng ADHD có "não phải" cực kỳ phát triển, do đó trẻ phải được đối xử đặc biệt.
Ông tuyên bố trong cuốn sách của mình rằng những người có cái gọi là "ADN vua chúa" bao gồm Wolfgang Amadeus Mozart, Ludwig van Beethoven và thậm chí cả Steve Jobs, Mark Zuckerberg và Elon Musk.
Kim cũng tuyên bố những nhân vật lịch sử này có thể trở thành con người như bây giờ vì cha mẹ họ đã nhận ra tài năng của họ và cho phép họ làm bất cứ điều gì họ thích.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn