Mở ra cơ hội việc làm cho phụ nữ
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) ngày càng thu hút được sự tham gia của đông đảo các thành phần kinh tế. Qua 5 năm triển khai, tính đến tháng 4/2024, trên toàn quốc đã có 6.542 chủ thể tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, trong đó có 32,5% là hợp tác xã, 22% là doanh nghiệp, 40,3% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.
Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, Chương trình OCOP đã khẳng định sự phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp của Việt Nam. Nhiều địa phương đã ban hành chính sách riêng để hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP. Đặc biệt, chương trình đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn.
Bên cạnh đó, các địa phương đã từng bước chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, gắn với vai trò của các hợp tác xã, doanh nghiệp... Qua thống kê, tỷ lệ chủ thể OCOP xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định theo liên kết chuỗi giá trị sản phẩm OCOP là 34,6%.
Đồng thời, chương trình góp phần tạo thêm việc làm, thúc đẩy hướng đi về phát triển sinh kế ở những vùng đặc biệt khó khăn và các nhóm yếu thế như: đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ (tỷ lệ chủ thể OCOP mở rộng quy mô về lao động là 34,6%; tỷ lệ chủ thể OCOP là nữ giữ ổn định với khoảng 40%, tỷ lệ chủ thể là người dân tộc thiểu số khu vực khó khăn, miền núi chiếm 17,1%).
Tạo sân chơi mới cho các chủ thể, đặc biệt là các chủ thể nữ, chương trình "Hành trình OCOP" là kênh tuyên truyền đường lối, chủ chương và chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong lĩnh vực kinh tế nói chung, nông nghiệp nói riêng giúp mang các sản phẩm nông sản Việt tới gần hơn với người tiêu dùng.
Ông Lê Ngọc Huê, Nhà sáng lập, Trưởng ban tổ chức chương trình "Hành trình OCOP" cho biết: Những năm gần đây, Chính phủ đã và đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước như chương trình: Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Chương trình OCOP… Những chương trình này đã đạt được nhiều thành quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giúp các doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng, quảng bá lợi thế kinh tế xã hội và du lịch của các địa phương. "Hành trình OCOP" được thực hiện với mục tiêu giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp chất lượng cao tăng doanh số bán hàng, cập nhật xu hướng, mô hình bán hàng trong thời đại công nghệ số".
Tham gia "Hành trình OCOP", các chủ thể sẽ được trau dồi thêm nhiều kỹ năng thuyết trình, chốt đơn, bán hàng online, xử lý tình huống trong sản xuất và kinh doanh, đồng thời có cơ hội giao lưu, kết nối với các chuỗi tiêu thụ sản phẩm lớn ở Việt Nam. Không chỉ vậy các đơn vị còn được học hỏi về quản trị doanh nghiệp, tiếp cận hệ thống bán hàng online do các chuyên gia và người bán hàng nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội hướng dẫn.
Việc xây dựng chương trình được kỳ vọng có thể tạo ra một mạng lưới rộng khắp để các doanh nghiệp có thể đưa sản phẩm OCOP chất lượng nhất, giá thành hợp lý nhất tới người tiêu dùng. Đồng thời, chung tay đưa nền nông nghiệp Việt Nam hội nhập thế giới. "Chương trình là một mạng lưới giúp cho các doanh nghiệp trở thành bạn hàng của nhau", Tiến sĩ Đàm Quang Thắng, Chủ tịch Hội đồng Khởi nghiệp và Sáng tạo Quốc gia cho biết.
Trong chương trình này TikTok Việt Nam cũng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm của mình trên nền tảng mạnh xã hội.
"Hành trình OCOP" là một gameshow truyền hình lần đầu tiên có sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã có sản phẩm OCOP từ mọi miền cả nước với những câu chuyện khởi nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm bổ ích để phát triển các sản phẩm đặc sản vùng miền. Chương trình có sự phối hợp của Kênh VTC14, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC và Thái Bình OCOP, Bizcare, Tiktok Việt Nam. Dự kiến phát sóng số đầu tiên vào 16/6/2024 vào lúc 11h00 -11h30 Chủ nhật hàng tuần trên kênh VTC14, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn