Tọa đàm là dịp để nâng cao nhận thức về vị thế, vai trò của phụ nữ và tầm quan trọng của công tác cán bộ nữ, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, sớm hiện thực hóa các chỉ tiêu về giới trong lĩnh vực chính trị. Từ đó, nâng cao hiệu quả thực hiện công tác cán bộ nữ theo tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" và Chỉ thị 21-CT/TW của Ban Bí thư TƯ về "Tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới".
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Thanh Thuấn, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, trong những năm qua, công tác cán bộ nữ luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành. Từ đó đã có những bước chuyển biến tích cực về bình đẳng giới, phụ nữ đã và đang tham gia ngày càng nhiều trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Tổng số cán bộ là nữ lãnh đạo, quản lý các cấp, giữ chức vụ từ phó trưởng phòng trở lên là 364 người. Trong đó, có 3 nữ tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy; 1 nữ giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh và 1 nữ giữ chức vụ Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Hậu Giang; 153 nữ cán bộ lãnh đạo quản lý cấp tỉnh; 211 nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện và tương đương.
Đội ngũ cán bộ nữ cấp ủy, nữ lãnh đạo, quản lý, nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Cụ thể, cấp tỉnh có 8/50 đại biểu (chiếm tỷ lệ 16%); cấp huyện có 58/250 đại biểu (chiếm tỷ lệ 22,83); cấp xã có 402/2.096 đại biểu (chiếm tỷ lệ 19,18%). Nữ Đại biểu Quốc hội khóa XV là 2/6 đại biểu (chiếm tỷ lệ 33,33%).
Mặc dù vậy, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo trong cấp ủy, chính quyền ở một số cấp ủy, cơ quan, đơn vị chưa đồng đều. Cơ chế, chính sách tạo nguồn, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ nữ còn thiếu tính đột phá, từng lúc đã hạn chế cơ hội thăng tiến và đóng góp của phụ nữ. Bên cạnh đó, biên chế và chức danh lãnh đạo của từng ngành, từng cấp còn hạn chế. Do đó việc tuyển chọn, luân chuyển, bố trí cán bộ nữ gặp nhiều khó khăn.
Tiến sĩ Lê Thị Anh Đào, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực II, chia sẻ để đẩy mạnh công tác cán bộ nữ trong thời kỳ mới cần quan tâm đến những rào cản đối với cán bộ nữ. Cụ thể là khung chính sách quy định độ tuổi trong công tác đào tạo; văn hóa truyền thống đè nặng trong nếp sống, trong suy nghĩ của xã hội. Đặc biệt cần tăng cường giám sát, phản biện chính sách liên quan đến cán bộ để tham mưu.
Ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang nhấn mạnh, nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện công tác cán bộ nữ cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu và hệ thống chính trị đối với việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết, chủ trương của Đảng đối với công tác xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, nhất là cán bộ lãnh đạo, thúc đẩy bình đẳng giới.
Đồng thời, thực hiện công tác quy hoạch đúng theo yêu cầu, quy định, đảm bảo tỷ lệ nữ trong quy hoạch. Tiếp tục đào tạo rèn luyện cán bộ nữ để có đủ trình độ, năng lực, phẩm chất đảm đương, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó, các cấp Hội cần tăng cường công tác tham mưu, thực hiện giám sát, phản biện về công tác cán bộ nữ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn