Lão Tử là một con người mà lai lịch cuộc đời, sự nghiệp có nhiều điều còn nghi hoặc, thậm chí được xem như một truyền thuyết.
Đạo đức kinh của Lão Tử là một cuốn sách có xuất xứ và nội dung còn gây nhiều tranh cãi và có lẽ còn những điều không bao giờ có lời giải cuối cùng. Nhưng sự tồn tại đồng thời giữa cái hư và cái thực dường như là một nghịch lý tự nhiên của lịch sử tư tưởng cổ đại nói chung.
Cho nên, theo dòng thời gian hơn 2 ngàn năm nay, dù không tránh được phải nêu lên những sự thật không tách rời, chứa đựng cả những cái hư, cái khó và cái không thể xác định, người ta vẫn bàn về Lão Tử, về cuốn Đạo đức kinh như một sự thật hiển nhiên. Dù muốn hay không, người ta vẫn thấy trên thực tế tư tưởng Lão Tử đã ghi một dấu ấn hết sức sâu đậm và có sức ảnh hưởng rộng lớn trong đời sống con người, xã hội Trung Quốc - phương Đông và có thể cả nhân loại, cả về những mặt giá trị, tích cực và hạn chế cũng như những mặt tiêu cực của nó.
Nhưng cùng với quá trình ấy thì những cuộc tranh cãi về nội dung, ý nghĩa tư tưởng Lão Tử vẫn không ngừng diễn ra theo xu hướng ngày càng đúng, sâu sắc và toàn diện hơn, căn cứ vào những yêu cầu, điều kiện và khả năng thực tế của mỗi giai đoạn lịch sử.
Cuốn sách Triết lý và tư tưởng triết học của Lão Tử trong Đạo đức kinh là kết quả của nhiều năm nghiên cứu, nghiên cứu Đạo gia, Nho gia, đặc biệt tập trung vào Lão Tử của nhà giáo, nhà nghiên cứu Phạm Văn Chung.
Tác giả Phạm Văn Chung sinh năm 1957 tại Thái Bình, là giảng viên Khoa Triết học – ĐH KHXH&NV Hà Nội từ năm 1983 đến năm 2017. Các cuốn sách chính đã xuất bản: Triết học Mác về lịch sử (NXB Chính trị Quốc gia), Giáo trình Lịch sử triết học Mác (NXB Chính trị Quốc gia), Friedrich Nietzsche và những suy niệm bên kia thiện ác (NXB Tri thức). Hiện ông vẫn tiếp tục công việc nghiên cứu triết học.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn