Nhiều trường phổ thông hiện nay đã có quy định đình chỉ học tập với học sinh bị phát hiện hút thuốc lá điện tử từ 2 lần trở lên, đây là quy định khiến dư luận băn khoăn. Tuy nhiên, điều đáng nói là nó không giúp các trường ngăn chặn được tình trạng này.
Mới đây, trường Lomoloxop (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) phải xử lý kỷ luật đối với 6 học sinh. Những học sinh này bị phát hiện hút thuốc lá điện tử hơn 1 lần. Nhưng nghiêm trọng hơn khi bị phát hiện, những học sinh này đã cho rằng một học sinh khác mách thầy và đã đánh bạn khiến em này phải đi viện. Nhóm học sinh mang vũ khí đến lớp hăm dọa sẽ tiếp tục hành hung bạn khiến cho phụ huynh của học sinh bị bắt nạt lo sợ.
Hội đồng kỷ luật của trường này đã ra quyết định đình chỉ học tập với cả 6 học sinh. Sau đó 4/6 học sinh này đã được cha mẹ… chuyển trường. Còn 2 học sinh không có cơ hội học trường khác nên chờ hết thời hạn tạm đình chỉ học tập để xin trường cho quay lại.
Bị đuổi học từ trường này, chuyển qua trường khác hay tạm ở nhà 1-2 tuần sau đó trở lại không phải hình phạt hiệu quả. Có những học sinh trong thời gian bị đuổi học còn lêu lổng, quậy phá hơn và hổng kiến thức do nghỉ học thời gian dài, không thể bắt kịp tiến độ chương trình sau khi trở lại trường.
Ở một số trường tư có quy định "đuổi học" nếu hút thuốc lá điện tử từ 2 lần trở lên. Đây là mức chế tài cao nhất, nhưng vô hình trung đây chỉ là cách chối bỏ trách nhiệm với những học sinh khó trị vì sợ lây lan sang học sinh khác, sợ ảnh hưởng đến uy tín nhà trường.
Trên thực tế, việc phát hiện học sinh hút thuốc lá điện tử xảy ra ở nhiều trường, từ tiểu học đến THPT, ở cả trường tư lẫn trường công trên cả nước. Chỉ riêng trường Lomoloxop có năm đã phải xử lý đến 69 học sinh, chỉ vì lỗi hút thuốc lá điện tử nhiều lần.
"Việc xin chuyển trường chỉ được phép vào cuối học kỳ, cuối năm nên khi con bị đình chỉ học tập và nhà trường yêu cầu phụ huynh tìm nơi khác để con chuyển trường thì đúng thật là không còn đường lui."
Chị B.T.H, phụ huynh học sinh ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Hiện có những trường tư đang sửa quy định, tăng mức xử phạt nặng hơn. Theo đó, chỉ cần một lần hút thuốc lá điện tử trong trường hoặc rủ rê học sinh khác hút thuốc lá điện tử ở trong hoặc ngoài trường, khi phát hiện đều sẽ bị đình chỉ học tập ngay.
"Mức phạt quá nặng", một số phụ huynh phản đối. Nhưng từ phía nhà trường lại cho rằng chỉ tăng mức thì mới ngăn chặn được làn sóng hút thuốc lá điện tử gia tăng ở học sinh.
Các chuyên gia cũng cảnh báo trong tinh dầu dùng để hút thuốc lá điện tử cũng có chứa nicontine gây nghiện và gây kích ứng phổi, mắt, giãn phế quản...
Các nhà khoa học cũng tìm thấy cả các kim loại nặng độc hại trong hơi khói của thuốc lá điện tử như thiếc, nickel, chì và thủy ngân. Họ tìm thấy cả Diethylene Glycol là một chất độc hóa học độc hại được sử dụng trong chất chống đông.
Khi hút thuốc lá điện tử, tinh dầu nóng lên và bay hơi sẽ sinh ra một số hóa chất độc hại như: Formaldehyde, Acetaldehyde là chất có thể gây ung thư; Acrolein là chất có thể gây tổn thương phổi và góp phần gây bệnh tim mạch ở những người hút thuốc…
Nếu năm 2019 có khoảng 2,6 học sinh ở độ tuổi 15-17 hút thuốc lá điện tử thì tới năm 2022 tỷ lệ này tăng lên 3,5 và ngày càng hạ thấp độ tuổi. Trong khi tỷ lệ học sinh hút thuốc lá điếu giảm trong những năm gần đây thì việc hút thuốc lá điện tử lại gia tăng rõ rệt. Đáng nói là có nhiều học sinh nữ cũng hút thuốc lá điện tử.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê
Tuy nhiên, những người bán thuốc lá điện tử lại luôn nhồi vào đầu các thanh thiếu niên là thuốc lá điện tử không gây nghiện, không gây hại cho sức khỏe. Với lứa tuổi đang thay đổi tâm sinh lý (từ 13 đến 17), việc dùng thuốc lá điện tử là cách thể hiện sự mạnh mẽ, độ "ngầu". Nhiều nữ sinh coi đó là hành vi "sang chảnh" thể hiện đẳng cấp… Nhắm vào tâm lý này nên đây cũng là lứa tuổi dễ bị những người bán dẫn dụ nhất.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, cách chủ động hơn là có các biện pháp phòng trước khi chống. Cụ thể với học sinh, các giải pháp tuyên truyền bằng nhiều kênh khác nhau như: Cung cấp thông tin trực tiếp do giáo viên chủ nhiệm phổ biến, mời chuyên gia về trao đổi, gián tiếp qua tài liệu, link tham khảo cung cấp cho phụ huynh, học sinh. Mục đích để học sinh và cả phụ huynh nhìn thấy rõ tác hại của thuốc lá điện tử.
Ở một vài trường hiện nay, các hiệu trưởng cho biết đã xây dựng cả các cuốn cẩm nang để cung cấp thông tin, tư vấn cho phụ huynh cách sớm nhận biết con dùng thuốc lá điện tử. Những hoạt động như tọa đàm, tư vấn nhóm, tư vấn 1-1 trong các nhà trường cũng là cách để giúp các thầy, cô giáo, nhân viên tâm lý học đường phát hiện sớm, hỗ trợ học sinh thay đổi hành vi.
"Có những học sinh cho biết bố mẹ bỏ nhau, bố me quá bận rộn hoặc bị tổn thương nên đã hút thuốc lá điện tử để gây chú ý, bày tỏ phản ứng với bố mẹ", một giám thị ở TPHCM cho biết. Điều này có nghĩa thuốc lá điện tử chỉ là "vấn nạn" trực diện. Đằng sau đó là nhiều vấn đề bất ổn trong các gia đình, trong ứng xử với cha mẹ và con, mối quan hệ giữa các gia đình và nhà trường cần căn chỉnh lại để ngăn chặn kịp thời những lựa chọn, biểu hiện tiêu cực khác nhau ở học sinh, trong đó có việc sa vào thuốc lá điện tử.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn