Hơn 3.500 chủ hộ kinh doanh bị thu sai BHXH bắt buộc được giải quyết chế độ ra sao?

13:44 | 23/02/2024;
Theo rà soát của BHXH Việt Nam, tổng số chủ hộ kinh doanh cá thể đã có quá trình tham gia và thu BHXH bắt buộc đến hết ngày 30/5/2023 là 3.567 người. Trong đó, số người đang dừng thu, tạm ghi nhận thời gian đóng BHXH bắt buộc là 1.444 người.

Bà Trần Thị Lý, chủ hộ kinh doanh cá thể ở huyện Anh Sơn (tỉnh Nghệ An), gửi câu hỏi tới các cơ quan chức năng về trường hợp bà đóng BHXH bắt buộc từ năm 2010. Tháng 5/2018, BHXH huyện Anh Sơn và BHXH tỉnh Nghệ An gửi văn bản yêu cầu bà chuyển sang đóng BHXH tự nguyện với lý do, không cung cấp hình thức đóng BHXH bắt buộc cho chủ hộ kinh doanh cá thể nữa. Bà rất băn khoăn việc bà tham gia BHXH bắt buộc từ trước đến nay là đúng hay sai? Hướng giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho bà thực hiện thế nào?

Giải đáp băn khoăn của bà, BHXH Việt Nam đã có trả lời, cụ thể: Tại Điểm a, Điểm b, Khoản 1, Khoản 3, Điều 2 Luật BHXH năm 2014; Khoản 2, Điều 41; Khoản 1, Khoản 3, Điều 43 Luật Việc làm quy định: Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng tại hộ kinh doanh cá thể thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; từ ngày 1/1/2018 bao gồm cả người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng tại hộ kinh doanh cá thể thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Đối chiếu quy định trên, trường hợp bà Lý là hộ kinh doanh cá thể mà không phải là người làm việc theo các loại hợp đồng lao động nêu trên thì không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp. Thời gian đã đóng từ năm 2010 đến 2018, đề nghị bà Lý liên hệ với cơ quan BHXH để được hướng dẫn giải quyết.

1.423 chủ hộ kinh doanh tiếp tục tham gia BHXH

Trường hợp của bà Trần Thị Lý chỉ là một trong số hàng ngàn chủ hộ kinh doanh cá thể tham gia BHXH bắt buộc chưa đúng theo quy định pháp luật hiện hành. Ngày 24/1/2024, BHXH Việt Nam có báo cáo rà soát việc tham gia và giải quyết các chế độ bảo hiểm đối với Chủ hộ cho thấy:

Tổng số chủ hộ kinh doanh đã có quá trình tham gia và thu BHXH bắt buộc đến hết ngày 30/5/2023 là 3.567 người. Trong đó, số người đang dừng thu, tạm ghi nhận thời gian đóng BHXH bắt buộc là 1.444 người.

Về giải quyết chế độ BHXH theo từng chế độ với chủ hộ kinh doanh đã tham gia BHXH bắt buộc:

Ốm đau, thai sản: 9.648 lượt người, số tiền là 13,280 tỷ đồng.

Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: 1 người, số tiền là 21,55 triệu đồng.

Hưu trí, tử tuất: 275 người, số tiền là 32,840 tỷ đồng.

BHXH một lần: 397 người, số tiền là 9,328 tỷ đồng.

Số người đang tiếp tục tham gia BHXH là 1.423 người (trong đó người đang tham gia BHXH tự nguyện là 500 người; người đang tham gia BHXH bắt buộc theo nhóm đối tượng khác là 923 người).

Số người đã hoàn trả tiền đóng BHXH là 28 người. Số người hưởng chế độ hưu trí, tử tuất là 275 người. Số người hưởng chế độ BHXH một lần là 397 người. Số người có thời gian đóng BHXH trên 15 năm là 1.334 người.

Số chủ hộ khác không chấp nhận việc hoàn trả mà đều có nguyện vọng, mong muốn được ghi nhận thời gian đã đóng BHXH bắt buộc để được hưởng các chế độ BHXH, nhất là hưởng lương hưu khi về già sau này.


Hơn 3.500 chủ hộ kinh doanh bị thu sai BHXH bắt buộc được giải quyết chế độ ra sao?- Ảnh 1.

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) mở rộng đối tượng là chủ hộ kinh doanh tham gia BHXH bắt buộc. Ảnh minh họa

Thu sai BHXH bắt buộc với chủ hộ: Do chưa nắm rõ quy định pháp luật về hợp đồng lao động

Lý giải nguyên nhân thực hiện BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN của chủ hộ, ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết: Trước tháng 01/2003, hộ kinh doanh cá thể và người lao động trong hộ kinh doanh cá thể không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định tại Điều lệ BHXH ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26/01/1995 của Chính phủ.

Từ tháng 01/2003, chính sách BHXH bắt buộc đối với người lao động làm việc theo Hợp đồng lao động (HĐLĐ) tại Hộ kinh doanh cá thể đã đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của người lao động và chủ hộ kinh doanh.

Pháp luật quy định người lao động làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, hoặc HĐLĐ có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên trong Hộ kinh doanh thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN. 

Theo lãnh đạo BHXH Việt Nam, do chưa nắm rõ quy định của pháp luật về HĐLĐ nên nhiều chủ hộ kinh doanh, kể cả công chức, viên chức cơ quan BHXH địa phương đều cho rằng HĐLĐ tự ký giữa chủ hộ với chính mình hoặc với đại diện Hộ kinh doanh là phù hợp với pháp luật về lao động, nên chủ hộ gửi hồ sơ, gồm HĐLĐ với chính mình, hoặc với Đại diện hộ kinh doanh, cùng với hồ sơ khác (Tờ khai cấp sổ BHXH, Danh sách lao động, hàng tháng, chủ hộ đều có danh sách trả tiền lương, thu nhập của chủ hộ và người lao động,...) để đăng ký tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN cho người lao động (bao gồm cả chủ hộ). 

Cơ quan BHXH đã tiếp nhận hồ sơ và thực hiện thu, cấp sổ BHXH, xác nhận thời gian đóng BHXH, BHTN, cấp thẻ BHYT, giải quyết các chế độ BHXH, BHYT (ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, BHXH một lần, BHYT), trợ cấp thất nghiệp.

Theo lãnh đạo BHXH Việt Nam, năm 2016, khi phát hiện tại một số địa phương đã thực hiện thu BHXH bắt buộc đối với chủ hộ, BHXH Việt Nam đã có Công văn số 3857/BHXH-BT ngày 06/10/2016 chỉ rõ Chủ hộ không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát, báo cáo việc thực hiện thu BHXH bắt buộc đối với chủ hộ; kịp thời tổng hợp báo cáo, đề xuất giải pháp (tính thời gian đã tham gia, đóng BHXH bắt buộc). Đồng thời, chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát, tuyên truyền, vận động hướng dẫn Chủ hộ tham gia BHXH tự nguyện để đảm bảo an sinh xã hội.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn