pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chủ hộ kinh doanh phải làm hợp đồng lao động "ma" để tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
Cán bộ BHXH Việt Nam tuyên truyền, vận động chủ hộ kinh doanh, tiểu thương tham gia BHXH tự nguyện. Ảnh: PVH
Bà Bùi Thị Chanh, chủ hộ kinh doanh tạp hóa tại Chợ thành phố Hà Giang (tỉnh Hà Giang), cho biết: Hầu hết bà con tiểu thương tại chợ này đều có mong muốn được tham gia BHXH, bởi phần lớn chị em đều có thu nhập ổn định, thậm chí có điều kiện kinh tế khá, có khả năng đóng BHXH đều đặn. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành thì chủ hộ kinh doanh chỉ có thể tham gia BHXH tự nguyện mà không được tham gia BHXH bắt buộc.
Qua quá trình tìm hiểu, theo bà Chanh, BHXH bắt buộc có nhiều chế độ thụ hưởng hấp dẫn hơn, bên cạnh chế độ hưu trí, tử tuất, còn có chế độ ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp (trong khi BHXH tự nguyện chỉ có chế độ hưu trí, tử tuất). Điều này đặc biệt quan trọng với phụ nữ trẻ, trong độ tuổi sinh nở, hoặc chị em là chủ hộ sản xuất, dễ bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp.
Hiện nay, Dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi) đề xuất bổ sung 5 nhóm đối tượng được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm Chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; Người quản lý doanh nghiệp; Người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt...
Theo đó "Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh" theo quy định tại điểm L khoản 1 điều 3 là đối tượng mới quy định tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Qua rà soát, nước ta có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó có 2 triệu hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh sẽ tham gia BHXH bắt buộc.
Chị Nguyễn Thanh Thủy, tiểu thương kinh doanh mũ - nón tại chợ Long Biên (Hà Nội), chia sẻ: Tham gia BHXH bắt buộc là mong muốn và là nhu cầu có thực của nhiều chủ hộ kinh doanh. Dù có tích lũy được lưng vốn được cũng không thể đảm bảo an sinh bền vững bằng việc tham gia BHXH bắt buộc, BHYT và có nhiều chế độ hưởng, yên tâm hơn khi ốm đau, bệnh tật, và có chỗ dựa vững chắc khi về già.
Theo quy định hiện hành, chị không thuộc đối tượng được tham gia BHXH bắt buộc, bởi chủ quầy hàng dù có thu nhập ổn định nhưng lại không có quan hệ lao động, không có hợp đồng lao động, không phát sinh lương hàng tháng (tự trả lương cho chính mình). Vì thế, chính bản thân chị phải "gửi nhờ" hồ sơ qua công ty của bạn bè, phải làm một bản hợp đồng lao động "ma" để tham gia BHXH bắt buộc như một lao động thông thường khác. Cũng vì thế, số tiền cần đóng BHXH bắt buộc, chị chấp nhận chi trả toàn bộ, và tất nhiên sẽ không có sự hỗ trợ của doanh nghiệp.
Theo chị Thủy, khi luật sửa đổi theo hướng mở rộng đối tượng tham gia, rất nhiều tiểu tương, chủ hộ kinh doanh có thể "đường đường chính chính" tham gia bảo hiểm, mà không cần "nhờ vả" qua công ty người quen để tham gia BHXH bắt buộc như hiện nay nữa.
Mặc dù vậy, chị Thủy tỏ ra băn khoăn với quy định mức đóng BHXH bắt buộc. Qua tìm hiểu, chị cho biết: Đối với các đối tượng lao động thông thường, người lao động đóng 8%, người sử dụng lao động đóng 17%, tổng là 25%.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 39 dự thảo Luật, đối tượng Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh phải đóng toàn bộ 25%. Chị Thủy cho rằng, với hộ kinh doanh nhỏ lẻ, số vốn ít, thu nhập bấp bênh, đặc biệt là chủ hộ kinh doanh ở vùng khó khăn, thì mức đóng này cũng là gánh nặng không nhỏ. Chị đề nghị cơ quan chức năng nghiên cứu, đưa ra các mức đóng phù hợp, linh hoạt để các nhóm đối tượng có nhiều sự lựa chọn khác nhau, phù hợp với tình hình tài chính.
Nên có cơ chế khuyến khích chủ hộ kinh doanh tham gia BHXH bắt buộc
Bày tỏ đồng tình với việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội), cho biết: Hiện nay, có 02 nhóm hộ kinh doanh: Thứ nhất, hộ kinh doanh có đăng ký hộ kinh doanh; thứ 2, hộ không phải đăng ký hộ kinh doanh. Trong đó, đặc thù của hộ không phải đăng ký kinh doanh là các hộ hoạt động nhỏ lẻ, không ổn định, có thu nhập thấp.
Theo số liệu thống kê, có khoảng trên 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó có gần 2 triệu hộ có đăng ký kinh doanh. Theo quy định của Luật BHXH năm 2014 thì chủ hộ kinh doanh không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Ông Bùi Sỹ Lợi cho biết: Thực tiễn thời gian qua, mặc dù pháp luật chưa quy định "chủ hộ kinh doanh" thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nhưng tại các địa phương đã có các chủ hộ đăng ký tham gia và cơ quan BHXH đã thu BHXH bắt buộc đối với đối tượng này, cả nước khoảng gần 4.000 chủ hộ tham gia.
Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng: Lần sửa đổi luật này, quan điểm bổ sung nhóm hộ có đăng ký kinh doanh là hợp lý, nhưng nên quy định tham gia BHXH bắt buộc theo hộ kinh doanh tương tự như BHYT hộ gia đình bắt buộc và nên có chính sách khuyến khích hỗ trợ như đã thực hiện BHYT hộ gia đình theo lũy tiến. Đồng thời hỗ trợ nhóm hộ chưa đăng ký kinh doanh để họ cũng tham gia BHXH tự nguyện theo các thành viên của hộ kinh doanh và từng bước chuyển sang hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh và tham gia BHXH bắt buộc.
Trong đó, lưu ý là cả 2 nhóm hộ này đều bao gồm tất cả người lao động tham gia làm công ăn lương trong hộ kinh doanh. Đây là giải pháp rất quan trọng để đẩy nhanh độ bao phủ BHXH toàn dân.