Đây là thông tin được GS.TS.BS. Nguyễn Lân Việt - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Tim mạch học Việt Nam - chia sẻ tại lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Hội Tim mạch học Việt Nam và Merck Healthcare Việt Nam về việc nâng cao nhận thức và kiến thức về các bệnh tim mạch, đái tháo đường, tuyến giáp cho cộng đồng và nhân viên y tế, diễn ra ngày 22/11 tại TPHCM.
Thoả thuận xoay quanh việc xây dựng chuyên trang thông tin www.01minh.com và thực hiện các chương trình đào tạo y khoa liên tục cho các cán bộ y tế trong giai đoạn từ năm 2023-2025. Đây là trang thông tin truyền thông giáo dục sức khoẻ phi lợi nhuận cung cấp những thông tin y khoa về 3 bệnh lý: tim mạch, đái tháo đường - tiền đái tháo đường và tuyến giáp cho cả 2 đối tượng: nhân viên y tế (bác sĩ, dược sĩ) và bệnh nhân, người nhà bệnh nhân.
Theo GS.TS.BS. Nguyễn Lân Việt, số người hiện mắc bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng rất lớn, ước tính khoảng trên 20 triệu ca. Các yếu tố nguy cơ trên bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam gồm hút thuốc, uống rượu bia, quá cân, tăng huyết áp. Hầu hết nam giới có một yếu tố nguy cơ và hơn một nửa nam giới có từ hai yếu tố nguy cơ trở lên.
Trong tổng số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm thì tử vong do bệnh tim mạch chiếm tỷ lệ cao nhất, sau đó lần lượt đến bệnh ung thư, bệnh hô hấp mạn tính, đái tháo đường, rối loạn tâm thần kinh…
Thông tin tại chương trình cũng cho thấy, trên thực tế, nhận thức của cộng đồng về nâng cao sức khỏe, phòng chống yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm còn chưa đầy đủ. Tỷ lệ người dân có kiến thức đúng về tự theo dõi phát hiện sớm bệnh, chăm sóc, theo dõi và tuân thủ điều trị còn thấp.
Mặc dù nhiều thông tin, chương trình giáo dục, truyền thông ngày càng chú trọng phổ biến về các căn bệnh này đến người dân nhưng đa phần vẫn còn chung chung, chưa hiệu quả. Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, người dân dần quan tâm nhiều hơn đến sức khoẻ, bao gồm các bệnh không lây nhiễm. Ngoài tiếp cận thông tin qua các kênh truyền thống: truyền hình, bệnh viện, nhà thuốc thì người dân còn có thể tiếp cận thông tin qua các kênh kỹ thuật số (website, mạng xã hội). Từ đó, một phần dân số đã bắt đầu thay đổi lối sống để phòng ngừa bệnh lý mạn tính, tuy nhiên vẫn còn khá đông dân số chỉ dừng ở mức hiểu biết một phần hoặc chưa có hành động cụ thể.
Về nhân lực y tế công tác trong lĩnh vực bệnh không lây nhiễm cũng còn thiếu và không đồng bộ. Hạn chế về năng lực chủ yếu tập trung ở tuyến tỉnh, huyện và xã…
"Bệnh không lây nhiễm thường là những căn bệnh diễn tiến âm thầm và không có nhiều dấu hiệu rõ ràng để người mắc có thể phát hiện. Tuy nhiên, nếu hiểu đúng về bệnh, mỗi người có thể tự phòng tránh và biết được những nguy cơ để tầm soát từ sớm, hạn chế nguy cơ mắc phải cũng như giảm thiểu tàn tật và tử vong sớm do những căn bệnh này gây ra", GS.TS.BS. Nguyễn Lân Việt nhấn mạnh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn