Ths.Bs. Đỗ Hữu Thủy - Phó trưởng phòng dự phòng lây nhiễm HIV (Cục phòng, chống HIV/AIDS) khẳng định, cần sa là một loại ma túy. Hiện nay giới trẻ thường gọi bằng nhiều tên gọi khác nhau như "bồ đà", "bu", "cỏ", "tài mà", "pin", "vape". Một số loại được sử dụng theo dạng hít, uống hoặc ăn nhằm mục đích thỏa mãn cá nhân và giải trí. Trong cần sa có các hợp chất làm thay đổi tâm trí ảnh hưởng đến cả não và cơ thể, do đó gây hại cho sức khỏe của người sử dụng.
Theo bác sĩ Đỗ Hữu Thủy, thành phần chính, hoạt chất trong cần sa là Delta-9-tetrahydrocannabinol (THC) được tìm thấy trong lá và hoa của cây cần sa. Chất này kích thích não giải phóng một chất được gọi là dopamine, mang lại cho người sử dụng cảm giác hưng phấn, thư thái, khoái cảm và tình dục. Nếu sử dụng dưới dạng hút hoặc vape, THC có thể xâm nhập vào máu đủ nhanh để người sử dụng có thể đạt được khoái cảm trong vài giây hoặc vài phút. Mức THC thường đạt cực đại trong khoảng 30 phút và phải mất từ 1-3 giờ mới hết tác dụng. Nếu uống hoặc ăn thì phải mất nhiều giờ hơn để người sử dụng hoàn toàn tỉnh táo.
Ảnh hưởng của cần sa đến cơ thể rất nghiêm trọng và lâu dài, ở cả 3 phương diện là não bộ, thể chất, tâm thần. Và trong trường hợp người sử dụng khi đang mang thai có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ trong và sau khi sinh.
Với não bộ, khi hút cần sa, THC nhanh chóng di chuyển từ phổi vào máu, lên não và các cơ quan khác trên khắp cơ thể. THC hoạt động trên các thụ thể tế bào não thường phản ứng với các hóa chất giống như THC trong tự nhiên trong cơ thể. Cần sa kích hoạt các phần của bộ não có chứa số lượng lớn nhất của các thụ thể này, dẫn đến triệu chứng "phê" ở người sử dụng như các giác quan bị thay đổi, thay đổi nhận thức về thời gian, thay đổi tâm trạng, vận động suy yếu, khó khăn với suy nghĩ và giải quyết vấn đề, suy giảm trí nhớ, bị ảo giác, ảo tưởng, rối loạn tâm thần. Rối loạn tâm thần được xem là nguy cơ cao nhất khi sử dụng cần sa.
Người bắt đầu sử dụng cần sa khi còn là thanh thiếu niên, thuốc có thể làm suy giảm chức năng suy nghĩ, trí nhớ, học tập và ảnh hưởng đến cách não bộ xây dựng các kết nối giữa các khu vực não với nhau. "Hiện nay các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu tác dụng của cần sa kéo dài bao lâu và các thay đổi có diễn ra vĩnh viễn hay không", bác sĩ Thủy chia sẻ.
Đối với sức khỏe thể chất, hút cần sa có thể ảnh hưởng hô hấp, tăng nhịp tim, gây buồn nôn, nôn dữ dội. Khói cần sa kích thích phổi của những người hút cần sa thường xuyên có thể có vấn đề về hô hấp tương tự như những người hút thuốc lá. Những vấn đề này bao gồm ho và khạc đờm hàng ngày, dễ mắc các bệnh phổi và nguy cơ nhiễm trùng phổi cao hơn. Các nhà nghiên cứu cho đến nay vẫn chưa tìm thấy nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi cao hơn ở những người hút cần sa.
Cần sa làm tăng nhịp tim trong 3 giờ sau khi hút thuốc dẫn đến làm tăng nguy cơ bị đau tim. Người già và những người có vấn đề về tim có thể có nguy cơ cao hơn. Sử dụng cần sa thường xuyên, lâu dài có thể dẫn đến một số người phát triển hội chứng Hyperemesis Cannabinoid, khiến người dùng buồn nôn, nôn và mất nước thường xuyên.
Sử dụng cần sa lâu dài có liên quan đến bệnh tâm thần ở một số người, như ảo giác, hoang tưởng. Các triệu chứng nặng hơn ở bệnh nhân tâm thần phân liệt với các triệu chứng như ảo giác, hoang tưởng và rối loạn suy nghĩ. Sử dụng cần sa cũng có liên quan đến các vấn đề sức khỏe tâm thần khác như trầm cảm, lo âu và suy nghĩ tự tử ở thanh thiếu niên.
Các chuyên gia cảnh báo việc sử dụng cần sa trong thai kỳ có liên quan có thể dẫn đến sinh con nhẹ cân và tăng nguy cơ mắc các vấn đề về não và hành vi ở trẻ sơ sinh do thuốc có thể ảnh hưởng đến một số phần não đang phát triển của thai nhi. Trẻ tiếp xúc với cần sa trong bụng mẹ có nguy cơ mắc các vấn đề về giảm sự chú ý, trí nhớ. Một số nghiên cứu cũng cho thấy rằng lượng THC được bài tiết vào sữa mẹ, khi mẹ hút cần sa mỗi ngày và trẻ được bú sữa mẹ từ các bà mẹ này thì THC được truyền cho trẻ có thể đạt đến lượng ảnh hưởng đến não bộ đang phát triển của trẻ.
"Ngoài các tác hại của cần sa như đã đề cập trên, tại Việt Nam, cần sa là một loại ma túy bị cấm sản xuất, buôn bán trao đổi và sử dụng", bác sĩ Thủy thông tin.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn