Hút thuốc lá điện tử trong học sinh tăng 3,11 lần trong vòng 4 năm

13:34 | 03/05/2024;
Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 đã tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Kết quả điều tra cũng cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm tuổi 15-24 là cao nhất.

Ngày 3/5, Quỹ Phòng chống tác hại (PCTH) của thuốc lá, Bộ Y tế cho biết, chỉ tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử (TLĐT) , thuốc lá nung nóng (TLNN).

PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục QL Khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ PCTH của thuốc lá cho biết, theo báo cáo tổng hợp gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, bệnh viện thuộc Sở Y tế và trung tâm y tế huyện: Chỉ tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng TLĐT, TLNN.

Hút thuốc lá điện tử trong học sinh tăng 3,11 lần trong vòng 4 năm- Ảnh 1.

Tại buổi họp cung cấp thông tin về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng do Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá tổ chức

Cũng theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê hút thuốc lá điếu thông thường đã và đang gây ra gánh nặng lớn về sức khỏe và kinh tế và cần nhiều thời gian, nguồn lực để giải quyết tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Nếu cho phép thuốc lá mới với thành phần nicotin, các sản phẩm này sẽ nhanh chóng gây nghiện và gia tăng số người sử dụng theo thời gian. Thuốc lá mới đe dọa những thành quả bước đầu trong công cuộc phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam.

Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật PCTHTL cho thấy nhờ có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong nam giới trưởng thành giảm trung bình 0,5% mỗi năm (từ 47,4% năm 2010 (điều tra GATS 2010) xuống còn 38,9% năm 2023 (PGATS 2023). Tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên cũng đã giảm, trong đó, ở nhóm 13-17 tuổi đã giảm từ 5,36% năm 2013 xuống còn 2,78% năm 2019, ở nhóm 13-15 tuổi giảm từ 2,5% (GYTS 2014) xuống còn 1,9% (GYTS 2022). Đồng thời, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động cũng giảm đáng kể cả ở các hộ gia đình, nơi cộng cộng và nơi làm việc.

Đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong công tác PCTH của thuốc lá. Tuy nhiên, những thành tựu này có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới (chủ yếu là TLĐT, TLNN), đặc biệt là trong giới trẻ, cụ thể, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở người trưởng thành tăng từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020, trong khi đó, tỷ lệ học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử năm 2023 là 7,0%. 

So sánh với các nghiên cứu khác theo thời gian cho thấy:

- Năm 2020: Theo Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại 34 tỉnh, thành phố năm 2020 (PGATS): tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở người trưởng thành (15 tuổi trở lên) tăng 18 lần (từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020), trong đó tỷ lệ sử dụng cao nhất tập trung ở nhóm tuổi 15-24 với tỉ lệ là 7,3% sau đó là các nhóm tuổi 25 - 44 tuổi (3,2%), 45 - 64 tuổi (1,4%).

- Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023,.

- Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022, lên 8% năm 2023.

- Ở nữ giới tuổi 11-18, cũng theo kết quả sơ bộ của điều tra 11 tỉnh thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 4.3% năm 2023.

Thực tế cho thấy, TLĐT và kể cả một số loại TLNN mới phát sinh, có sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải là từ nguyên liệu lá thuốc lá điếu thông thường. Nguyên liệu phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy. Thông qua việc phối trộn, người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác vào để sử dụng mà khó bị phát hiện.

TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống Độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết TLĐT sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy thông qua việc phối trộn. Người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác vào để sử dụng mà khó bị phát hiện. Không chỉ có nicotin mà còn có nhiều chất khác có hại cho sức khỏe người dùng.

Theo TS Nguyên, chi phí điều trị cho những ca ngộ độc thuốc lá điện tử trộn ma túy cấp tính nhẹ đến những ca nặng tiêu tốn trung bình từ trên 10 triệu đến hàng trăm triệu đồng.

"Việt Nam cần khẩn cấp cấm việc sản xuất, lưu hành thuốc lá điện tử, có như vậy mới phòng tránh được một loạt vấn đề lớn và nghiêm trọng về sức khỏe với người dân" - TS Nguyên nhấn mạnh.

Theo báo cáo của WHO cho thấy:

Đối với thuốc lá điện tử: đã có ít nhất 39 quốc gia và vùng lãnh thổ cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử. Trong khu vực ASEAN, đã có 5 quốc gia cấm hoàn toàn là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei, Campuchia. 03 quốc gia bán thuốc lá điện tử dưới dạng dược phẩm được cấp phép và thuốc kê đơn được điều trị theo phác đồ (Chile, Úc và Nhật). 88 quốc gia quản lý thuốc lá điện tử (trong đó có 27 quốc gia thuộc khối liên minh Châu Âu). Việc quản lý được tiến hành chặt chẽ theo các biện pháp của Công ước khung (WHO FCTC).

Đối với thuốc lá nung nóng, ít nhất 18 quốc gia cấm (trong đó có 5 quốc gia thuộc ASEAN gồm Capuchia, Lào, Singapore, Thái Lan, Brunei). 71 quốc gia quản lý thuốc lá nung nóng (trong đó 27 quốc gia thuộc khối Liên minh Châu Âu)

Việc áp dụng biện pháp cấm hay quản lý phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh kinh tế - xã hội và năng lực đáp ứng yêu cầu quản lý của mỗi quốc gia, nhìn chung có thể thấy:

Các nước áp dụng biện pháp cấm trên nguyên tắc cẩn trọng để bảo vệ sức khoẻ cộng đồng hoặc các biện pháp kiểm soát thuốc lá chưa được thực hiện toàn diện, tỉ lệ hút thuốc lá vẫn còn cao, hạn chế về nguồn lực quản lý, theo dõi và thực thi pháp luật.

Các nước áp dụng biện pháp quản lý như dược phẩm khi họ có hệ thống và quy trình phê duyệt thuốc như sản phẩm điều trị chặt chẽ. Có năng lực để quản lý và giám sát.

Các nước áp dụng biện pháp quản lý khi họ có khả năng thực hiện hiệu quả và toàn diện các biện pháp của Công ước khung WHO FCTC và có đủ nguồn lực để giám sát, ngăn ngừa vi phạm.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn