Khát vọng đưa người nông dân cần mẫn ra thành thị để tự giới thiệu những sản phẩm tâm huyết đến người tiêu dùng

19:00 | 21/04/2023;
Mang đến kỹ thuật, phương pháp tạo ra sản phẩm hữu cơ, cam kết tạo đầu ra cho sản phẩm và đồng hành với bà con mọi lúc mọi nơi, chị Nguyễn Thị Vân Anh đã ấp ủ khát vọng nâng tầm nông sản Việt. Làm sao để người nông dân hạnh phúc giới thiệu sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng và đưa người tiêu dùng về với vùng trồng.

Mong muốn, khát vọng phát triển, nâng tầm nông sản Việt được chị Nguyễn Thị Vân Anh (Tổng giám đốc công ty cổ phần Pink Lotus) chia sẻ cùng PNVN:

- Ý tưởng về "Khát vọng nông sản" của chị bắt đầu từ bao giờ?

Trong một chuyến đi công tác tại Quảng Nam, tôi tình cờ bắt gặp tác phẩm điêu khắc nghệ thuật Thần Nông của nghệ nhân Trần Thu và đã bị chinh phục bởi ý nghĩa của tác phẩm này. Thần Nông chính là thủy tổ của người Việt, dạy cho tộc dân của mình nghề cày cấy, hái lá chữa bệnh, cất dựng nhà cửa… Ngài được tôn vinh là Ngũ Cốc Vương, Dược Vương hay Thần Nông Đại Đế… từ đó mở ra cho người Việt cổ nền văn minh lúa nước.

Từ hàng ngàn năm nay, cuộc sống của chúng ta luôn gắn với nguồn thực dưỡng chính từ ngũ cốc và hoa quả. Ngày nay trước tác động của thiên nhiên, môi trường…, con người càng nhận ra chân giá trị của lối sống tự nhiên, tôn trọng và hòa hợp thiên nhiên bằng ẩm thực nông sản sạch… Qua đó cho thấy thời đại Thần Nông đã và đang diễn ra trên toàn cầu. Tôi thật sự bị chinh phục bởi tác phẩm và câu chuyện "Khát Vọng Nông Sản Việt" bắt đầu từ đó.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, nhìn thấy người thân và cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, trong tâm trí tôi luôn thúc đẩy làm sao bảo vệ sức khỏe người thân của mình cũng như cộng đồng. Thiết nghĩ, chỉ có cách tăng cường sức đề kháng, tự bảo vệ bản thân bằng cách lựa chọn lối sống lành mạnh, hòa hợp với thiên nhiên; lựa chọn thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc xuất xứ. Đó là động lực để tôi cho ra đời "Khát vọng nông sản".

Khát vọng đưa những người nông dân cần mẫn ra thành thị - Ảnh 1.

Chị Vân Anh lựa chọn các sản phẩm hữu cơ để phát triển

- Hành trình "Khát vọng nông sản" của chị đã triển khai như thế nào?

Nhận thấy tầm quan trọng của nông sản, tôi bắt đầu cuộc hành trình khát vọng nông sản bằng những chuyến đi thực tế tới các vùng trồng. Chúng tôi khởi đầu từ những cái duyên mà tôi gặp được trong suốt hành trình. Do vậy vùng trồng Pink Lotus đã và đang triển khai cùng với bà con nông dân là: HTX Kiến Bình, Tân Thạnh, Long An; HTX Nghiên cứu và ứng dụng hữu cơ Đà Lạt và Farm Hoàng Quý Dương, Ninh Hải, Ninh Thuận. Tuy nhiên, chúng tôi không giới hạn việc kết nối và phát triển với những vùng trồng khác. Chúng tôi ưu tiên cho những vùng đất có nhiều điều kiện thuận lợi làm nông nghiệp hữu cơ. Và như vết dầu loang, chúng tôi mong muốn dần dần sẽ lan rộng ra những vùng trồng khác.

Riêng với lúa gạo, chúng tôi tập trung chính tại Long An và tôi vẫn đang tìm kiếm những vùng đất hoang sơ nhất để tiến hành canh tác lúa hữu cơ, bởi vì trồng lúa hữu cơ theo tiêu chuẩn của chúng tôi, không phải vùng đất nào cũng có thể trồng. Phải chọn vùng trồng thuận lợi có sự tách biệt với vùng canh tác truyền thống. Vùng đất trồng hữu cơ phải không được dùng phân bón hóa học, hạn chế nhiễm nguồn nước, đất và không khí của vùng canh tác truyền thống.

Khát vọng đưa những người nông dân cần mẫn ra thành thị - Ảnh 2.

Các vùng nguyên liệu đạt quy chuẩn

- Được biết, chị đã phải dành rất nhiều thời gian đồng hành cùng bà con để làm các loại đặc sản. Chị có thể chia sẻ thêm về điều này?

Tất cả mọi người đều mong muốn một tương lai tốt đẹp và một cuộc sống hòa thuận với nhau. Chúng tôi mang đến kỹ thuật, phương pháp tạo ra sản phẩm hữu cơ. Chúng tôi cam kết tạo đầu ra cho sản phẩm và đồng hành với bà con mọi lúc, mọi nơi nên bà con rất ưu ái đón nhận. Để đồng hành được với bà con chúng tôi có một đội ngũ am hiểu, đam mê nông nghiệp. Chúng tôi có kiến thức áp dụng khoa học kỹ thuật, không ngại khó khăn và không nản chí trước khó khăn.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là sản phẩm hữu cơ năng suất thấp, giá thành cao nên áp lực của chúng tôi là việc tạo đầu ra cho sản phẩm để đảm bảo thu nhập cho bà con yên tâm canh tác.

- Trên hành trình đang đi, hẳn chị có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ cùng bà con nông dân?

Trong quá trình về với bà con, mỗi chặng đường là một kỷ niệm đẹp đối với tôi. Đó là khi tôi truyền tải thông điệp của sản phẩm hữu cơ, thì thuốc diệt cỏ là điều cấm kỵ không được sử dụng. Như vậy thì cỏ dại mọc đầy cánh đồng, ảnh hưởng đến năng suất và bà con phải nhổ cỏ bằng tay. Tôi đã có những lúc về đồng cũng xắn tay áo, đội nón lá cùng nhổ cỏ với bà con. Đó là những trải nghiệm tuyệt vời.

Ngoài lúa gạo, rau xanh cũng là một sản phẩm được chúng tôi đầu tư kỹ càng. Có lần, tôi lái xe 9 tiếng từ đồng bằng lên chân núi Voi tại Đức Trọng, Lâm Đồng. Vượt qua chặng đường khó khăn hiểm trở nhưng tới nơi gặp được người nông dân đang cuốc đất trồng rau hữu cơ ngoài trời không che lưới, tôi đã chạy tới làm cùng bà con. Giữa trưa nắng gay gắt của núi rừng chúng tôi cùng nhau làm việc, rồi cùng nhau nấu cơm ăn uống vui vẻ và viết lên kế hoạch cho khát vọng nông sản Việt với một tương lai rạng ngời.

Khát vọng đưa những người nông dân cần mẫn ra thành thị - Ảnh 3.

Nông sản được sản xuất theo hướng minh bạch – trách nhiệm – bền vững.

Với Ninh Thuận cũng là kỷ niệm đáng nhớ. Tôi tới vườn nho Farm Hoàng Quý Dương, Ninh Hải, Ninh Thuận trong buổi xế chiều. Đón tôi là một anh nông dân gầy nhom, có lẽ vì nắng gió nên làn da anh cháy nắng. Nhưng khi bước chân vào vườn nho của anh, tôi không khỏi ngạc nhiên trước một khu vườn xanh ngắt xum xê quả. Sau khi nghe tôi chia sẻ đam mê nông sản sạch, hữu cơ, anh đã hái nho trên cây vui vẻ ăn và mời tôi.

Anh bắt đầu kể cho tôi nghe về quá trình rời bỏ công việc với thu nhập cao tại nước ngoài. Anh trở về quê hương làm nông nghiệp. Và tự anh một mình cần mẫn tìm tòi học hỏi và chuyển đổi thành công hướng canh tác hữu cơ. Chỉ một thời gian ngắn trao đổi, chúng tôi đã chinh phục được nhau để cùng nhau gắn kết tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn cung cấp ra thị trường.

- Một vài dự định của chị để nối tiếp những ước mơ cho khát vọng nông sản Việt?

Định hướng của Pink Lotus là hình thành chuỗi cửa hàng nông sản hữu cơ "Pink Lotus Farmer Market" là nơi tập hợp những sản phẩm nông sản theo hướng minh bạch - trách nhiệm - bền vững. Chúng tôi mong muốn đưa những người nông dân cần mẫn ấy ra với thành thị, để người nông dân hạnh phúc giới thiệu những sản phẩm tâm huyết đến tận tay người tiêu dùng. Và đưa người tiêu dùng về với bà con nông dân để trải nghiệm quy trình trồng trọt khắt khe mà Pink Lotus kết hợp với bà con nông dân, cho ra đời những sản phẩm đạt tiêu chuẩn như cam kết.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn