pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phát triển nông nghiệp xanh, nâng cao thu nhập cho người nông dân
Thực hiện Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050, Khoa Tài nguyên và Môi trường - Học Viện Nông nghiệp Việt Nam và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương phối hợp tổ chức thực hiện Chương trình "Ứng dụng công nghệ vượt trội, hỗ trợ nông dân phát triển chăn nuôi - nuôi trồng thủy sản".
Chương trình nhằm xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính.
Cam kết lấy nông dân làm trung tâm
3 hộ chăn nuôi gồm: hộ nuôi gà của ông Nguyễn Xuân Chuyển, hộ nuôi lợn của bà Nguyễn Thị Tươi và hộ nuôi cá của ông Bùi Quang Cảnh, tại xã Cẩm Hoàng, huyện Cẩm Giàng đã được lựa chọn triển khai thí điểm mô hình.
Các hộ gia đình được lựa chọn để thí điểm mô hình
Các mô hình đều sử dụng bộ chế phẩm sinh học phù hợp cho từng đối tượng vật nuôi, không phải sử dụng kháng sinh và hoá chất. Sau 3 tháng thực hiện kết quả cho thấy các mô hình đều cho kết quả vượt trội: vật nuôi tăng trưởng tốt, khoẻ mạnh, không bị dịch bệnh; không khí chuồng trại chăn nuôi an toàn, khô thoáng, hết mùi hôi, không gây ảnh hưởng đến người chăn nuôi và khu vực xung quanh.
Bà Nguyễn Thị Tươi, hộ nông dân nuôi lợn thịt, xã Cẩm Hoàng, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương chia sẻ: Các hộ gia đình tại khu vực thực hiện mô hình đều rất phấn khởi, hào hứng muốn thực hiện quy trình chăn nuôi – nuôi trồng thủy sản đồng bộ và đảm bảo an toàn sinh học này.
PGS.TS Nguyễn Thị Minh - Chủ nhiệm Chương trình “Ứng dụng công nghệ vượt trội hỗ trợ nông dân chăn nuôi - nuôi trồng thuỷ sản”, khoa Tài nguyên Môi trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh: Chương trình cam kết lấy nông dân làm trung tâm để phát triển các sản phẩm khoa học, góp phần làm gia tăng chuỗi giá trị cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, bảo vệ môi trường, tận dụng chất thải hiệu quả như một cách khai thác tài nguyên; đúng với định hướng mà hiện nay cả thế giới cũng như Việt Nam đang theo đuổi là phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn…
Bà Phạm Thị Đào, Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Hải Dương đánh giá cao sự đồng hành của các nhà khoa học cùng chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp với bà con chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản của tỉnh, vừa giảm được ô nhiễm môi trường, hạn chế được dịch bệnh, nâng cao năng suất và chất lượng thịt nông sản để đảm bảo đầu ra cho người chăn nuôi.
Nhân rộng ra 63 tỉnh, thành
Trên cơ sở những mô hình thí điểm thành công, Chương trình “Ứng dụng công nghệ vượt trội, hỗ trợ nông dân phát triển triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản” sẽ được nhân rộng trên 63 tỉnh, thành.
Trước mắt, trong năm 2023, chương trình dự kiến sẽ nhân rộng mô hình tại các tỉnh đã thí điểm thành công như Hải Dương, Hoà Bình, Bắc Giang, Ninh Bình, Hải Phòng và triển khai tiếp tại các tỉnh như Hà Nam, Nam Định, Hưng Yên, Thanh Hoá, Thái Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Thái Nguyên, Nghệ An, Hà Tĩnh nhằm tiếp tục hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tuần hoàn. Từ đó góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho người nông dân và bảo vệ môi trường.
Thực hiện Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Chiến lược khẳng định Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nông nghiệp là lợi thế, nền tảng bền vững của quốc gia. Nông thôn là địa bàn phát triển kinh tế quan trọng, là không gian chính gắn với tài nguyên thiên nhiên, nền tảng văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước. Nông dân là lực lượng lao động và nguồn tài nguyên con người quan trọng. Phát triển nông nghiệp trên quan điểm hiệu quả, bền vững về kinh tế -xã hội - môi trường; xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại; phát triển và bảo vệ môi trường.