Xây dựng mô hình sinh kế nông nghiệp thông minh giúp phụ nữ thoát nghèo

Ngân Hà
16/10/2022 - 16:51
Xây dựng mô hình sinh kế nông nghiệp thông minh giúp phụ nữ thoát nghèo

Bà Phạm Thị Vân phấn khởi khi khu vườn trồng cỏ luôn tươi tốt, đảm bảo cung cấp đủ thức ăn cho gia súc của gia đình.

Hàng ngàn người tại huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh), trong đó có 50% là nữ giới, dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu đã được tập huấn, xây dựng và triển khai các mô hình sinh kế, giúp cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn.

Hưởng lợi từ dự án

Là một trong số những hộ dân được hưởng lợi từ Dự án Hỗ trợ Việt Nam Thực hiện Thỏa thuận Paris tại tỉnh Hà Tĩnh (gọi tắt là SIPA Hà Tĩnh), bà Phạm Thị Vân (thôn Ao Tròn, xã Sơn Tiến, huyện Hương Sơn) rất vui mừng trước những thành quả mà gia đình bà đã đạt được. Bà cho biết: "Được tập huấn và hướng dẫn từ các cán bộ của dự án, gia đình tôi đã chuyển diện tích đất xấu sang trồng cỏ. Hiện này, chúng tôi có 2 sào cỏ. Mùa hè vừa qua, mặc dù nắng nóng có lúc lên đến 35 - 39 độ C nhưng với việc chăm sóc đảm bảo kỹ thuật, diện tích cỏ trồng vẫn xanh tốt và cho thu hoạch đảm bảo thức ăn cho 5 con bò, 2 con hươu".

Cũng sinh sống ở thôn Ao Tròn, sau khi được tư vấn, bà Phạm Thị Thuận đã trồng cỏ theo đúng hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ dự án. Bà Thuận rất phấn khởi trước kết quả đạt được: "Sau hơn 1 tháng gieo trồng, 3 sào cỏ sinh trưởng, phát triển tốt, chiều cao đạt gần 2m. Trồng 1 lần mà có thể thu hoạch đến 5 năm. Mỗi ngày tôi chỉ cần dành ít thời gian cắt cho bò ăn, không phải tốn công chăn thả như trước. Nhờ có nguồn thức ăn dồi dào, giàu chất dinh dưỡng, đàn bò 5 con của gia đình phát triển béo khỏe, cho xuất chuồng 2 lứa/năm, mỗi lứa 3 con. Loại cỏ này gia súc rất thích ăn nhưng lại không tốn công chăm sóc".

Xây dựng mô hình sinh kế nông nghiệp thông minh giúp phụ nữ thoát nghèo - Ảnh 1.

Nhờ tham gia dự án, anh Nguyễn Duy Sinh (Sơn Tiến, Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã được hướng dẫn và hỗ trợ trồng cỏ chịu hạn. Đến nay, 5 con bò của anh lớn nhanh, không bị ốm bệnh.

Cánh đồng cỏ này là kết quả của mô hình "Trồng cỏ chịu hạn phục vụ chăn nuôi" tại thôn Ao Tròn, xã Sơn Tiến, với 31 hộ tham gia (diện tích 2,6 ha) thuộc Dự án SIPA Hà Tĩnh với mục tiêu chuyển đổi diện tích đất màu sản xuất không hiệu quả sang trồng giống cỏ chịu hạn, có giá trị dinh dưỡng cao phục vụ chăn nuôi

Dự án SIPA Hà Tĩnh đã hỗ trợ các hộ dân tham gia 100% cỏ giống, 50% phân bón cho toàn bộ diện tích trồng. Trong quá trình triển khai, 2,6 ha đất khô cằn đã được quy hoạch lại thành vùng trồng cỏ chịu hạn. Giống cỏ được đưa vào trồng là giống cỏ Ghine Mombasa (cỏ sả lá lớn). Đây là một trong những giống cỏ sả tốt, non, mềm và phát triển nhanh, có khả năng chịu hạn tốt.

Thu nhập tăng lên nhờ mô hình sinh kế bền vững

Dự án SIPA được triển khai từ tháng 10/2019 đến tháng 6/2022 tại các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Kỳ Anh, Can Lộc và Vũ Quang. Đã có hơn 3.560 hộ gia đình với hơn 14.000 cá nhân (50% là nữ) tham gia và được hưởng lợi. Theo đó, 5 mô hình nông lâm kết hợp đã được triển khai tại Hà Tĩnh là phát triển hệ sinh thái vườn đồi tổng hợp, nuôi ong dựa vào hệ sinh thái vườn rừng và rừng trồng, trồng hành tăm thích ứng với biến đổi khí hậu theo hướng hữu cơ, nuôi tôm càng xanh luân canh cá nước ngọt kết hợp phát triển hệ sinh thái vườn hồ và trồng cỏ chịu hạn phục vụ chăn nuôi.

Xây dựng mô hình sinh kế nông nghiệp thông minh giúp phụ nữ thoát nghèo - Ảnh 2.

Mẻ thu hoạch tôm của một hộ nông dân tham gia dự án ở Mô hình nuôi tôm càng xanh luân canh cá nước ngọt.

Trước khi triển khai các mô hình sinh kế cho người dân, trong tháng 8 và 9/2021, Dự án SIPA Hà Tĩnh đã tiến hành tập huấn cho 31 cán bộ xã, huyện về cách thiết kế, quản lý vườn theo nông lâm kết hợp theo hướng hữu cơ. Từ tháng 11/2020 đến tháng 3/2022, nhóm cán bộ xã, huyện trên đã triển khai 14 lớp tập huấn cho 560 nông dân. Các nông dân tham gia được hướng dẫn lựa chọn và trồng cây ăn quả kết hợp với các cây trồng khác trên chính khu vườn của mình. Việc lựa chọn dựa trên sở thích của nông dân, các chính sách tạo điều kiện ở huyện và tham vấn với cán bộ địa phương, chuyên gia về cây ăn quả.

Ban quản lý dự án cho biết đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh và Hội Nông dân Hà Tĩnh tổ chức 55 buổi tập huấn kỹ thuật và hướng dẫn về thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái, nông nghiệp thông minh và các dịch vụ thông tin nông nghiệp về khí hậu. Gần 3.000 người (5% là phụ nữ) đã tham gia các lớp tập huấn này.

Tính đến tháng 4/2022, Dự án SIPA đã cung cấp hơn 50.000 cây giống cho hơn 2.200 nông hộ. Các cán bộ kỹ thuật cấp huyện, tỉnh, những người đã được Dự án đào tạo, đã hướng dẫn nông dân cách trồng và chăm sóc cây con, tham khảo hướng dẫn kỹ thuật từ các ấn phẩm do nhóm dự án và chuyên gia về cây ăn quả của Viện Nghiên cứu Rau quả.

Nhằm đảm bảo môi trường và năng suất, hiệu quả của cây trồng, Dự án SIPA đã giao hơn 6.300 gói chế phẩm sinh học cho hơn 3.000 nông hộ. Các hộ này đã làm theo các hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ dự án và đã sản xuất ra chế phẩm sinh học từ cám gạo. Cán bộ của dự án cũng hướng dẫn các nông hộ trồng dứa Queen, cỏ Guinea dọc theo đường đồng để kiểm soát xói mòn đất, tăng thêm thu nhập và làm thức ăn cho gia súc.

Kết quả là trong năm 2020 - 2021, trải qua đợt nhiều nắng nóng, cỏ Guinea được trồng tại vườn của các hộ tham gia dự án vẫn xanh tốt dù không được chăm sóc nhiều. Sau khi cho gia súc ăn, số lượng còn thừa được bán đạt doanh thu khoảng 2.435 USD/ha/năm. 

Xây dựng mô hình sinh kế nông nghiệp thông minh giúp phụ nữ thoát nghèo - Ảnh 3.

Các sản phẩm của 5 mô hình dự án được người tiêu dùng ưa thích.

Ngoài ra, Dự án SIPA cũng thành lập các tổ tiết kiệm thôn bản và các khoản vay cho các nhóm nông nghiệp. Tính đến tháng 1/2022, 24 nhóm đã được thành lập, đi vào hoạt động với 592 thành viên (khoảng 51% là phụ nữ). Các nhóm này đã tiết kiệm được tổng cộng 11.800 USD, trong đó 10.117 USD dùng làm khoản vay cho 58 thành viên để thực hiện nông nghiệp thông minh với khí hậu, chủ yếu để thiết lập nông lâm kết hợp cây ăn quả và chăn nuôi gia súc như gà, trâu, lợn và sử dụng chất thải để làm phân trộn trong ruộng vườn của họ.

Bà Lê Thị Tầm, Giám đốc dự án SIPA Hà Tĩnh, cho biết: "Thông qua việc triển khai các mô hình, các hộ dân ở Hà Tĩnh đã được cải thiện rõ rệt về khả năng thích ứng và sinh kế, thu nhập của mô hình sau khi tham gia dự án tăng gấp 2-5 lần so với mô hình trước khi tham gia dự án. Cụ thể, mô hình nuôi tôm càng xanh luân canh cá nước ngọt thu được hơn 200 triệu đồng/ha/năm. Mô hình hành tăm luân canh cây họ đậu cũng mang về 80 triệu đồng/ha/năm. Mô hình nuôi ong lấy mật cũng giúp bà con tăng thêm thu nhập từ 35- 40 triệu đồng/năm. Ngoài ra, 1 ha cỏ chịu hạn có thể cung cấp thức ăn cho khoảng 8 con bò trong 1 năm. Chúng tôi rất phấn khởi khi đã góp phần hồi sinh những vũng đất thoái hóa và tạo ra sinh kế bền vững cho bà con nông dân".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm