pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Tôi đã từ hộ nghèo vươn lên tự tin làm chủ cuộc sống"
Chị Đinh Thị Oanh thoát nghèo, tự tin làm chủ cuộc sống
Trán lấm tấm mồ hôi, chị Đinh Thị Oanh cẩn thận kiểm tra xem những cây tre giống đã mọc rễ chưa. Chẳng bao lâu những cây con này sẽ được mang lên đồi trồng ổn định, để rồi sản sinh ra những gốc măng giúp cuộc sống của những người phụ nữ như chị đầy đủ và hạnh phúc hơn. Kể về chặng đường thoát nghèo của mình, chị Oanh ngỡ như mới ngày hôm qua thôi.
Khởi đầu từ tay trắng
Chị tâm sự: "Tôi sinh năm 1971 tại xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Cũng như nhiều hộ gia đình khác tại địa phương, nguồn thu nhập chính của gia đình tôi đến từ công việc làm nương rẫy như trồng lúa và ngô. Thu nhập thấp, cuộc sống rất khó khăn. Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo đặc biệt. Vì không có tiền nên con trai cả (sinh năm 1991) của tôi phải bỏ học giữa chừng từ năm lớp 11 để đi làm thuê kiếm tiền cho 2 em (sinh năm 1992 và 1996) đi học. Cả 3 con thường phải làm việc phụ giúp bố mẹ như làm vườn, chăn nuôi lợn gà. Nhà nghèo, bữa ăn thiếu dinh dưỡng nên đều bị suy nhược cơ thể, sức khỏe rất yếu.
Khốn khó như vậy, nhưng chồng tôi lại thường xuyên say rượu, đánh mắng vợ vô cớ và không đồng ý cho tham gia công tác xã hội. Năm 2014 tôi quyết tâm ly hôn để đỡ khổ. Các con tôi đều ủng hộ quyết định này và có nguyện vọng đi theo mẹ.
Vậy là ở tuổi 43, tôi đi ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng. Mấy mẹ con tôi đến ở nhờ nhà người em trai. Còn tôi lúc đó, đã làm thuê đủ việc để tích cóp tiền. Sau 2 năm ly hôn thì tôi vay ngân hàng mua nhà để 4 mẹ con dọn ra ở riêng.
Lúc ấy, tôi cũng băn khoăn lắm, vì chưa biết bắt đầu từ đâu. Nhưng tôi được cán bộ dự án, cán bộ Hội phụ nữ cung cấp các thông tin về mô hình. Tìm hiểu và nắm bắt được đầy đủ thông tin, tôi đã mạnh dạn tham gia và trở thành một thành viên của Hợp tác xã Măng sạch Xuân Nha. Hợp tác xã có 13 thành viên, có nhà ươm rộng 1.000 m2, nhà xưởng rộng 500 m2 và nhà sấy năng lượng mặt trời rộng 100 m2.
Chị em phụ nữ trong hợp tác xã được tham gia các hoạt động hỗ trợ như hướng dẫn thu hái và chế biến măng bền vững theo tiêu chuẩn hữu cơ; giới thiệu công nghệ sản xuất mới như ứng dụng kiểm soát quy trình thông minh, nồi hơi luộc măng cải tiến và nhà sấy năng lượng mặt trời.
Từ khi tham gia dự án, tôi được đào tạo các kỹ năng giao tiếp, bình đẳng giới, nâng quyền cho phụ nữ và các khóa tập huấn về lập kế hoạch sản xuất kinh doanh. Nhờ được truyền thông, cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ như vậy, nên tôi tự tin hơn trong hành trình thoát nghèo của mình. Tôi không phải đi làm thuê khắp nơi nữa mà chỉ tập trung khai thác, chế biến măng. Măng làm ra tôi được hợp tác xã bao tiêu với mức giá ổn định. Tôi còn được tham gia các lớp đào tạo về tiếp thị kỹ thuật số để các thành viên hợp tác có thể quảng bá sản phẩm của mình trên các nền tảng thương mại điện tử.
Đến nay, gia đình tôi đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo, đời sống khá hơn nhiều, món nợ ngân hàng cũng đã trả hết. Tôi còn có tiền sắm sửa tivi, tủ lạnh máy giặt, máy lọc nước, bếp gas… Các con tôi đã trưởng thành, lập gia đình và dọn ra ở riêng. Thu nhập bình quân của tôi là 80 triệu đồng/năm. So với trồng lúa, trồng ngô, thu nhập tăng lên gấp 4 lần, trước đây, tôi làm thuê và trồng ngô, trồng lúa, mỗi năm chỉ kiếm được khoảng 20 triệu đồng thôi.
Hiện nay, tôi đang có khoảng 200 gốc măng Bát Độ trồng trên diện tích đất 5.000m2. Bây giờ, điều kiện kinh tế của tôi đã khấm khá hơn trước rất nhiều. Nhờ tham gia các khóa tập huấn, những người phụ nữ như tôi được cung cấp đầy đủ các thông tin để tự tin trong công việc, tự tin hơn vào bản thân và tự tin làm chủ cuộc sống của mình".
Huyện Vân Hồ có 14 xã, trong đó, 3 xã khu vực II, 11 xã khu vực III; tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện là 26%, cận nghèo 12,34%; tỷ lệ dân tộc chiếm 93,4%; có 119 bản thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi và 90 bản đặc biệt khó khăn. Năm 2022, huyện Vân Hồ phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 23%.