pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hướng dẫn người nghèo có kiến thức, kinh nghiệm lao động sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo
Nhiều phụ nữ trong tỉnh tự tin làm kinh tế
Giảm nghèo là một chính sách an sinh xã hội lớn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Trong những năm qua, Hà Nam cùng cả nước đã thực hiện tốt chương trình giảm nghèo bền vững, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Theo kết quả tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2021 (chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025), tỉnh Hà Nam có 10.327 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,69% với 20.631 nhân khẩu; 9.875 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,53% với 25.513 nhân khẩu. Các nguyên nhân nghèo chủ yếu là do ốm đau bệnh nặng; cao tuổi, không có sức lao động (số hộ nghèo không có khả năng lao động là 6.300 hộ, chiếm 61,01% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh).
Tỉnh có 4.464 hộ nghèo thiếu hụt về việc làm, 5.047 hộ thiếu hụt về người phụ thuộc trong hộ gia đình, 368 hộ thiếu hụt về dinh dưỡng, 4.028 hộ thiếu hụt về bảo hiểm y tế; 1.056 hộ thiếu hụt về trình độ giáo dục của người lớn, 262 hộ thiếu hụt về tình trạng đi học của trẻ em; 2.523 hộ thiếu hụt về chất lượng nhà ở, 1.273 hộ thiếu hụt về diện tích nhà ở bình quân đầu người; 707 hộ thiếu hụt về nguồn nước sinh hoạt, 2.201 hộ thiếu hụt về nhà tiêu hợp vệ sinh; 6.297 hộ thiếu hụt về sử dụng dịch vụ viễn thông, 3.544 hộ thiếu hụt về phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.
Để giúp các hộ nghèo, cận nghèo vượt qua khó khăn, Hà Nam đã tập trung tổ chức, xây dựng các mô hình sinh kế giảm nghèo; hỗ trợ tạo việc làm, tăng thu nhập cho hộ nghèo, người nghèo thông qua các chính sách tín dụng ưu đãi, dạy nghề, khuyến nông, khuyến công. Các mô này tập trung phát triển sản xuất cây trồng vật nuôi có lợi thế, ứng dụng tiến bộ mới, cơ giới hoá vào sản xuất.
Truyền thông về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025
Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, ngày 17/3/2022, UBND tỉnh Hà Nam ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 0,53%/năm, phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên địa bàn toàn tỉnh giảm còn 1,56%.
Xác định tuyên truyền, hướng dẫn, cung cấp các thông tin là một trong những nội dung quan trọng, tháng 8/2022, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Nam ban hành Kế hoạch số 2221/KH-UBND Truyền thông về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
Nội dung tập trung tuyên truyền những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của công tác giảm nghèo, các nội dung nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư TƯ Đảng khóa XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030.
Trong đó, chú trọng các nội dung nâng cao năng lực phát triển của người dân; đào tạo kỹ năng nghề, tạo việc làm, sinh kế bền vững cho người dân, chuyển dịch lao động phù hợp với nhu cầu thị trường lao động; thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, hướng đến giải quyết các vấn đề thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản; lấy phát triển kinh tế là trọng tâm để giảm nghèo bền vững, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người dân nói chung, người nghèo nói riêng.
Bên cạnh đó, các chương trình tuyên tuyên truyền cũng khơi dậy ý chí tự lực tự cường, phát huy nội lực vươn lên "thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no" của người dân và cộng đồng, phấn đấu "Vì một Việt Nam không còn đói nghèo" và truyền thông hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kinh nghiệm trong lao động sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của nhà nước và xã hội...
Đa dạng hình thức truyền thông về giảm nghèo bền vững
Các hình thức truyền thông, thông tin được thực hiện bằng nhiều hình thức như: trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các hoạt động, phong trào thi đua; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác giảm nghèo nói chung, nâng cao kỹ năng truyền thông, thông tin về giảm nghèo nói riêng đối với đội ngũ cán bộ; tổ chức đối thoại về chính sách giảm nghèo giữa cán bộ và người dân nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong quá trình tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo; giới thiệu các ấn phẩm, sản phẩm truyền thông tuyên truyền về công tác giảm nghèo; tổ chức nói chuyện chuyên đề đến các cơ quan, đơn vị, địa phương tại các buổi sinh hoạt cộng đồng.
Các hoạt động truyền thông về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 sẽ giúp người dân trên địa bàn tỉnh Hà Nam hiểu rõ, hiểu kỹ về chương trình, từ "giảm nghèo" thông tin tiến tới giảm nghèo bền vững.