Quảng Ninh: Từ giảm nghèo thông tin đến giảm nghèo bền vững cho vùng xa và hải đảo

Thu Trang
02/10/2022 - 10:44
Quảng Ninh: Từ giảm nghèo thông tin đến giảm nghèo bền vững cho vùng xa và hải đảo

Tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và đạt được những kết quả tích cực. Ảnh minh họa

Đầu tư phát triển hạ tầng thông tin, phát triển kinh tế số, kết nối giao thương tìm đầu ra cho sản phẩm…, là sự nỗ lực của các cấp, các ngành tại tỉnh Quảng Ninh để giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách của các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh.

Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và đạt được những kết quả tích cực. Qua đó, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chủ động vay vốn, tiếp cận khoa học kỹ thuật, tham gia các mô hình phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Thu hẹp khoảng cách thông tin

"Từ ngày có kết nối mạng 3G, tôi có thể lên mạng để đọc thông tin, vào mạng xã hội, zalo để trò chuyện, cập nhật thông tin của bạn bè, gia đình ở xa. Tôi còn đang tập bán hàng online để kiếm thêm thu nhập cho gia đình", chị Phan Thị Hiền, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, cho biết.

Giống như chị Hiền, nhiều người dân ở các vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các xã đảo, hay các huyện xa có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đã có máy điện thoại di động và kết nối mạng thông tin di động công nghệ 3G, 4G để phục vụ cho cuộc sống và công việc.

Xác định công nghệ viễn thông, thông tin đóng vai trò quan trọng trong đời sống cũng như sản xuất của người dân, đặc biệt là tại các vùng dân tộc miền núi, biên giới, hải đảo (vùng khó khăn), UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 13/KH-UBND (ngày 14/1/2022) phủ sóng di động, cáp quang tới những nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt 57 vị trí xây dựng trạm thu phát sóng di động BTS cho các doanh nghiệp viễn thông để nâng cao diện phủ sóng băng thông rộng (3G, 4G) trên địa bàn tỉnh. Hiện đã triển khai được 12 trạm thu phát sóng BTS để phủ sóng di động cho 14 thôn trên địa bàn các xã khó khăn của tỉnh; đầu tư hạ tầng và sẵn sàng cung cấp dịch vụ Internet băng rộng cố định cho 16/96 thôn.

Từ giảm nghèo thông tin đến giảm nghèo bền vững cho vùng xa và hải đảo  - Ảnh 1.

Các ứng dụng công nghệ thông tin được sử dụng để quảng bá văn hóa - du lịch, bản sắc văn hóa truyền thống của người dân bà con dân tộc thiểu số tại tỉnh Quảng Ninh

Nhờ vậy, nhiều người dân sinh sống tại các vùng khó khăn đã ứng dụng thành công công nghệ thông tin để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Không chỉ được thường xuyên cập nhật tin tức và kết nối mà các ứng dụng công nghệ thông tin được sử dụng để quảng bá văn hóa - du lịch trực tuyến trên các nền tảng thông tin xã hội, đồng thời giới thiệu hàng hóa, đặc sản của địa phương lên mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trong tỉnh và cả nước.  

Tận dụng công nghệ số để kết nối, phát triển kinh tế địa phương

Nằm ở địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc, Quảng Ninh có rất nhiều sản vật, đặc sản mang tính vùng miền độc đáo. Từ lợi thế này, trong thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Quảng Ninh luôn chú trọng bảo đảm chất lượng sản phẩm gắn với lợi thế bản địa, từ đó thúc đẩy kết nối thị trường, tạo sự phát triển bền vững cho từng sản phẩm OCOP.

Với quan điểm OCOP là chương trình phát triển kinh tế vùng nông thôn theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị cho các sản phẩm thế mạnh, đặc biệt là các sản phẩm nông sản ở những vùng sâu, vùng xa, hải đảo, giúp phát triển kinh tế bền vững, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách để triển khai chương trình.

Tại tọa đàm "Kết nối thông tin, tìm đầu ra cho nông sản vùng dân tộc thiểu số và miền núi", bà Nguyễn Hoài Thương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh, chia sẻ: Quảng Ninh là tỉnh đi đầu xây dựng, phát triển chương trình OCOP bằng nhiều cách thức thực hiện sáng tạo phù hợp người dân và thị trường. Sau 10 năm thực hiện, các sản phẩm của địa phương, đặc biệt là tại các vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi đã xây dựng được thương hiệu, giúp các chủ thể tham gia chương trình phát triển kinh tế, thu hẹp khoảng cách giảm nghèo. Nếu ở giai đoạn đầu tiên, vào năm 2012 chỉ có 40 sản phẩm tham gia chương trình OCOP, đến nay Quảng Ninh đã có 499 sản phẩm tham gia chương trình, trong đó có 267 sản phẩm đạt từ 3-5 sao với sự tham gia của gần 200 doanh nghiệp, HTX, có sở sản xuất. Các sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh thực sự tạo được thương hiệu và niềm tin đối với người tiêu dùng và thị trường.

Từ cấp Trung ương đến cấp địa phương đã tổ chức nhiều chương trình cung cấp thông tin thị trường, cung cấp chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ kết nối tiêu thụ vào các kênh bán lẻ. Trong bối cảnh hội nhập vào nền kinh tế số, bà con vùng nông thôn, vùng khó khăn còn được tham gia các chương trình tập huấn, hướng dẫn kiến thức, hỗ trợ kết nối trên các sàn thương mại điện tử, hỗ trợ về đào tạo, tập huấn về kinh doanh an toàn vệ sinh thực phẩm… để đưa sản phẩm ra thị trường.

Từ giảm nghèo thông tin đến giảm nghèo bền vững cho vùng xa và hải đảo  - Ảnh 2.

Sản phẩm địa phương được kết nối, tiêu thụ trên thị trường và các nền tảng số

Cải tiến hạ tầng công nghệ thông tin, triển khai chuyển đổi số, nâng cao nhận thức đã góp phần "giảm nghèo thông tin", thu hẹp khoảng cách và giúp cho các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và hải đảo tại Quảng Ninh phát triển bền vững hơn.

Để tiếp tục giảm nghèo bền vững, ngày 17/5/2021 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển bền vững Kinh tế - Xã hội gắn với bảo đảm vững chắc Quốc phòng - An ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu Nghị quyết đặt ra: Tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 3%/năm, riêng năm 2022 phấn đấu đạt tỷ lệ giảm nghèo 0,11% (tương đương giảm 411 hộ nghèo); không còn nhà ở tạm, nhà dột nát; cơ bản giải quyết dứt điểm nhu cầu cấp thiết về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, khó khăn; đến hết năm 2022 không còn thôn, bản đặc biệt khó khăn theo tiêu chí mới.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm