Khi đến thăm xã vùng sâu Suối Bàng thuộc huyện Vân Hồ, thuộc tỉnh Sơn La, du khách sẽ thấy ngạc nhiên khi biết rằng những ngọn đồi bao phủ bởi vườn cây ăn trái xanh tươi lại từng là những mảnh đất cằn cỗi.
Những năm gần đây, người dân trồng nhiều cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như cam, nhãn, từ đó họ có cuộc sống no ấm hơn. Thấp thoáng trong vườn cây trĩu quả là những nụ cười bừng sáng. Khắp xã Suối Bàng, nhiều mái nhà mới xây mọc lên. Chị Trần Thị Hồng (50 tuổi), giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Suối Bàng là người có đóng góp rất lớn trong việc tạo ra sự thay đổi trên quê hương.
Câu chuyện về những mùa trái ngọt được chị Trần Thị Hồng nhớ lại với những ký ức vẹn nguyên.
+ Được biết, chị vốn là một thợ may nơi phố huyện. Mối duyên nào đưa chị về Suối Bàng, gắn bó với bà con nông dân?
Hơn mười năm trước, người dân địa phương trồng ngô và dong riềng theo kỹ thuật truyền thống. Qua thời gian, chất lượng đất và cây trồng đều bị giảm sút nên năng suất không cao. Lúc đó, tôi chỉ là một thợ may ở huyện Mộc Châu, có chồng là cán bộ khuyến nông. Vợ chồng tôi nhận thấy khu vực này rất thích hợp để trồng cây ăn quả do có nhiều mạch nước đầu nguồn trong lành và dồi dào. Là một thợ may không có chút kiến thức kinh doanh nào nên ban đầu mọi việc không hề suôn sẻ. Nhưng khó khăn đến đâu, tôi cũng chỉ có một ý chí mạnh mẽ là kiếm tiền và giúp đỡ người khác cải thiện cuộc sống.
Cùng với 3 thành viên khác, chúng tôi sáng lập hợp tác xã, tích cực bón phân làm đất và trồng thử nghiệm 10 ha cam, nhãn, xoài, bưởi tại các bản Ấm, Pưa Lai và Sôi. Sau một thời gian được gần gũi gắn bó với bà con nông dân, tôi đã cùng chia sẻ công việc kinh doanh sản xuất chăm sóc vườn cây, xây dựng chiến lược cung ứng đầu vào giảm chi phí, hợp tác kết nối đầu ra giá thành cao, tăng thu nhập cho bà con nông dân và trở thành giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Suối Bàng.
Thu nhập từ cây ăn quả cao hơn so với trồng ngô, khoai sắn. Bà con được tập huấn kỹ thuật tiên tiến từ các chuyên gia để có năng suất cao hơn mà không cần dùng đến hóa chất, đảm bảo chất lượng hữu cơ nên sản phẩm bán ra cũng được giá hơn.
+ Nhìn lại chặng đường vừa qua của Hợp tác xã nông nghiệp Suối Bàng, chị thấy những dấu mốc nào đáng nhớ?
Thành lập từ năm 2016, đến nay hợp tác xã đã có 20 hộ tham gia đóng góp công sức, đất đai để canh tác tổng cộng 30 ha cây ăn quả. Hợp tác xã đảm bảo các kỹ thuật cập nhật cho các thành viên và bao tiêu sản phẩm. Số lượng lên đến 30 tấn cam và 10 tấn nhãn mỗi năm. Năm 2020, hợp tác xã đạt thu nhập 1,8 tỷ đồng và năm 2021 đạt 2,3 tỷ đồng.
Năm nay, Hợp tác xã dự kiến thu nhập 3 tỷ đồng, với thu nhập phụ là từ chế biến trái cây sấy khô. Ngoài việc hướng dẫn người dân chăm sóc vườn cây ăn quả để tăng năng suất hơn, hợp tác xã còn mở rộng, trồng cây ngắn ngày như dưa leo, bí, củ lạc, ớt để tăng thu nhập cho các thành viên. Thu nhập của các hộ gia đình tham gia hợp tác xã thay đổi rõ rệt. Có hộ gia đình thu nhập được 20 – 30 triệu đồng mỗi tháng. Việc chăm sóc cây ăn quả cũng đỡ vất vả hơn trồng khoai sắn.
+ Có được những kết quả tích cực này, ban lãnh đạo Hợp tác xã đã phải dành không ít công sức?
Để thuyết phục bà con nghe, tin và làm theo mình, trước hết, bản thân mình phải chứng minh những điều mình làm là đúng đắn và mang lại lợi ích kinh tế, thay đổi cuộc sống cho bà con. Ban điều hành Hợp tác xã và chính bản thân tôi cũng không ngừng học hỏi, trau dồi và đặc biệt là cập nhật những thông tin mới về khoa học kỹ thuật, về chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, các chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo để vận dụng vào công việc, điều hành Hợp tác xã.
Những thông tin, kiến thức tiếp nhận được không chỉ giúp chúng tôi "giảm nghèo" về thông tin mà còn tự tin hơn để tiếp cận những cái mới, cùng bà con phát triển kinh tế. Tôi thấy có nhiều khóa học rất bổ ích với những nữ lãnh đạo hợp tác xã ở vùng cao như tôi, đó là khóa tập huấn của dự án "Thúc đẩy Bình đẳng giới thông qua Nâng cao Hiệu quả Kinh tế Sản xuất Nông nghiệp và Phát triển Du lịch". Tôi được tuyên truyền, hướng dẫn về các kỹ năng về quản lý doanh nghiệp, lãnh đạo, phần mềm kế toán và quan trọng hơn là kết nối tôi với các khách hàng tiềm năng.
Kể từ khi tham gia, tôi đã tự tin hơn trong giao tiếp với đối tác, tiếp thị sản phẩm và phân công công việc cho các thành viên khác. Thông qua các chương trình đào tạo, tôi cũng đã học được kỹ năng quản lý thời gian, từ đó có được sự cân bằng trong việc sắp xếp công việc gia đình và công việc kinh doanh.
+ Mối quan tâm lớn nhất của chị hiện nay là gì?
Mối quan tâm lớn nhất của tôi hiện nay là kiến thức của người dân địa phương. Tôi mong muốn các dự án hay các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương như hội phụ nữ… có thể chung tay cùng các Hợp tác xã phổ biến kiến thức nông nghiệp và kinh doanh, cải thiện đời sống cho bà con nông dân Suối Bàng.
Tôi cũng sẽ tiếp tục kiên trì phương thức sản xuất không hóa chất để trồng cây ăn quả và các loại cây trồng khác. Sử dụng hóa chất có thể giúp năng suất cao hơn lại gây hại cho môi trường. Tôi nghĩ rằng, sau này khi mất đi, chúng ta có thể không để lại nhiều tiền bạc, của cải cho con cháu nhưng thay vào đó, chúng ta có thể để lại một môi trường trong lành và mảnh đất màu mỡ. Đó là điều có giá trị hơn cả.
Chủ tịch Hội LHPN xã Suối Bàng Đinh Thị Thúy Vì nhận xét: Từ khi Hợp tác xã Suối Bàng được thành lập, trong bản có sự thay đổi rõ nét. Nơi này từng là nơi nghèo nhất trong xã, nhưng với quyết tâm chuyển sang trồng cây ăn quả dài ngày, đời sống của người dân địa phương, đặc biệt là phụ nữ đã được cải thiện. Nhiều phụ nữ trước đây nhút nhát, không có tiếng nói trong gia đình nay đã tích cực tham gia sản xuất và đóng góp vào các hoạt động xã hội, bao gồm cả những hoạt động bảo vệ môi trường.