Bảo tồn nghề truyền thống, mở ra cơ hội mới cho phụ nữ vùng cao thoát nghèo

Lê Hoa
04/10/2022 - 10:32
Bảo tồn nghề truyền thống, mở ra cơ hội mới cho phụ nữ vùng cao thoát nghèo

Nhiều phụ nữ thoát nghèo nhờ tham gia HTX

Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các thành viên trong sản xuất. Từ đó góp phần giảm nghèo bền vững, bảo tồn nghề truyền thống, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới tại vùng miền núi biên giới khó khăn. Đây là đề xuất của chị Sùng Thị Sy (tỉnh Hà Giang).

Sùng Thị Sy sinh năm 1989 trong gia đình người Mông có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Như nhiều phụ nữ dân tộc Mông khác, chị không được đến trường, lấy chồng và có con từ khá sớm. Không có công việc ổn định, thu nhập bấp bênh, chồng sang Trung Quốc lao động "chui" và bị lừa hết tiền công, phải trở về nước tay trắng. Cái đói, cái nghèo cứ đeo bám gia đình trẻ.

Không cam chịu hoàn cảnh nghiệt ngã, chị mày mò, học hỏi kinh nghiệm thoát nghèo. Được Hội LHPN huyện Đồng Văn tuyên truyền, vận động, năm 2017 chị tham gia, thành lập hợp xã và cơ hội thoát nghèo bắt đầu từ đó. Cuộc sống không chỉ còn quẩn quanh bếp núc, nương rẫy, chị đã có công việc, có thu nhập. Để giúp những chị em phụ nữ dân tộc thiểu số cũng khó khăn, không có việc làm trong xã, chị đã đến nhà từng chị em tìm hiểu tâm tư, động viên chị em tham gia HTX để có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Bảo tồn nghề truyền thống mở ra cơ hội mới cho phụ nữ vùng biên giới thoát nghèo - Ảnh 1.

Chị Sùng Thị Sy giới thiệu các sản phẩm của HTX

Hiện nay, chị Sùng Thị Sy là Giám đốc hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp thôn Sà Phìn A, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. HTX chính thức đi vào hoạt động từ tháng 3/2018 với tổng số vốn đầu tư có thu hồi là 350 triệu đồng. Qua 5 năm hoạt động, đến nay số thành viên của Hợp tác xã và thành viên liên kết là 125 thành viên, trong đó 100% thành viên là phụ nữ dân tộc thiểu số. Hoàn cảnh của các thành viên trong hợp tác xã và các Tổ hợp tác: 45% là nạn nhân của bạo lực gia đình, 20% là nạn nhân bị mua bán quay trở về tái hòa nhập cộng đồng, 35% là hộ nghèo đặc biệt khó khăn. Bình quân mỗi năm có 2 hộ gia đình của thành viên thoát nghèo, đến tháng 11/2021, hợp tác xã đã có 11 hộ gia đình của thành viên thoát nghèo. Thu nhập của các thành viên dao động từ 3,5 đến 5 triệu đồng/người/tháng.

Chị Sùng Thị Sy chia sẻ về sự phát triển Hợp tác xã, về những mong muốn, đề xuất của chị và các phụ nữ dân tộc thiểu số trên chặng đường vươn lên thoát nghèo bền vững, phát triển kinh tế gắn với bảo tồn nghề truyền thống, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới,

- Xin chào chị Sùng Thị Sy. Được biết, từ khi thành lập HTX đến nay, chị và các thành viên trong ban điều hành luôn tìm hiểu tâm tư, vận động chị em thoát nghèo. Chị có thể chia sẻ cụ thể hơn về những kết quả đã đạt được?

Tháng 9/2018, Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp thôn Sà Phìn A bắt đầu mở rộng sản xuất và thành lập các mô hình liên kết. Chúng tôi đã cử Ban giám đốc dạy nghề tại các xã trong và ngoài huyện. Từ năm 2018 đến nay, HTX đã tổ chức 18 lớp dạy nghề với 630 học viên tham gia. Sau các lớp dạy nghề đã thành lập được 5 tổ hợp tác tại xã Sính Lủng, Lũng Phìn, Sủng Trái, Vần Chải, Sủng Là (huyện Đồng Văn), xây dựng được 2 mô hình tại xã Sính Lủng, Ma Lé và 1 hợp tác xã tại xã Lũng Cú (huyện Đồng Văn).

Bảo tồn nghề truyền thống mở ra cơ hội mới cho phụ nữ vùng biên giới thoát nghèo - Ảnh 2.

HTX tham gia giới thiệu sản phẩm giao lưu, kết nối thị trường

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tham gia 25 lượt đi giới thiệu sản phẩm tại tỉnh và ngoài tỉnh, giao lưu, kết nối thị trường. Từ những chương trình dạy nghề, tạo sinh kế bền vững đó, bình quân mỗi năm HTX có 2 hộ gia đình của thành viên thoát nghèo. Đến tháng 11/2021, hợp tác xã đã có 11 hộ gia đình của thành viên thoát nghèo, mặt khác, hỗ trợ 3 phụ nữ khởi nghiệp thành công về may mặc trang phục dân tộc và thêu dệt thổ cẩm.

Hợp tác xã được thành lập và đi vào hoạt động đã tạo việc làm cho 125 hội viên, phụ nữ và giảm tỷ lệ phụ nữ bị bạo lực gia đình, phụ nữ đi lao động trái phép, tạo cơ hội khởi nghiệp cho những phụ nữ yếu thế có việc làm ổn định, có thu nhập có tiếng nói trong gia đình.

Về kết quả sản xuất, kinh doanh: Năm 2018 tổng thu của hợp tác xã, cả nguyên liệu thô là 2.475.000.000 đồng; tổng thu năm 2019 cả nguyên liệu thô là 2.869.865.000 đồng; 2020 là 3.154.400.000 đồng; 2021 là 3.657.321.000 đồng. Thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/người/tháng.

- Ngoài tạo sinh kế và thu nhập cho phụ nữ dân tộc thiểu số, HTX Dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp thôn Sà Phìn A còn có những hoạt động gì hỗ trợ phụ nữ, trẻ em nghèo tại địa phương?

Hợp tác xã luôn hưởng ứng các chương trình xã hội hóa và các hoạt động từ thiện xã hội, cộng đồng nơi cư trú cũng như trong toàn huyện, hỗ trợ những phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; phối hợp với Hội LHPN huyện Đồng Văn thành lập 01 quỹ hỗ trợ trẻ em nghèo vượt khó với 15 cháu và hỗ trợ 700.000 đồng/cháu/tháng; hỗ trợ 10 tháng/năm cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn đi học cấp III tại huyện Đồng Văn và ngoài huyện; thành lập quỹ hỗ trợ trẻ em mồ côi với 56 cháu tại các xã, thị trấn trong toàn huyện, hỗ trợ 250.000 đồng/tháng/cháu; thành lập 01 quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo tại xã Sà Phìn với 32 triệu đồng cho vay luân chuyển hàng năm; ngoài ra hợp tác xã còn tham gia nhiều hoạt động khác của địa phương như: ủng hộ người nghèo, xây dựng mái ấm tình thương…

Bảo tồn nghề truyền thống mở ra cơ hội mới cho phụ nữ vùng biên giới thoát nghèo - Ảnh 3.

Các hoạt động dạy nghề, tuyên truyền phổ biến kiến thức để bảo tồn nghề truyền thống và văn hóa bản địa luôn được HTX chú trọng

- Trong quá trình hình thành và phát triển, xin chị chia sẻ thêm về các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các thành viên trong sản xuất, để góp phần giảm nghèo bền vững, bảo tồn nghề truyền thống, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới tại vùng miền núi biên giới?

Bên cạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, Hợp tác xã luôn quan tâm đến công tác bảo tồn nghề truyền thống, nhất là thông qua giới thiệu lịch sử hình thành và quy trình sản xuất cũng như trình diễn một số công đoạn sản xuất của các nghệ nhân; phát huy thương hiệu "Lanh trắng" Đồng Văn gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo việc giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống như: hoa văn và các công cụ sản xuất, màu sắc, đã tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi để thúc đẩy việc phát triển nghề truyền thống và góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống sẵn có tại địa phương, từ đó đã tạo dấu ấn đặc biệt và khó quên trong lòng du khách trong và ngoài nước.

Có thể khẳng định rằng, trong thời gian qua được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước và sự phấn đấu của các thành viên hợp tác xã dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp thôn Sà Phìn A, đã từng bước khởi sắc và ngày một phát triển toàn diện, đời sống vật chất và tinh thần của thành viên được nâng lên, kết quả rõ nét nhất là đã có 11 thành viên thoát nghèo.

Bên cạnh kết quả đạt được, Hợp tác xã vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn như: Tỷ lệ thành viên mù chữ và tái mù chữ còn cao, chiếm 95%; 100% không biết ngoại ngữ, nên việc quảng bá sản phẩm cho du khách còn hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của hợp tác xã; việc thu hút nhân lực có tay nghề cao cũng gặp không ít khó khăn vì các thành viên liên kết chỉ làm theo công đoạn chưa thành thạo như các thành viên chính thức của hợp tác xã, nên nhiều đơn hàng vẫn còn tồn đọng, đôi lúc chưa kịp thời…

Để góp phần bảo tồn nghề truyền thống, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, phát tiển kinh tế và giảm nghèo bền vững tại vùng miền núi biên giới khó khăn trong thời gian tới được tốt hơn, Hợp tác xã đề xuất cấp ủy, chính quyền địa phương và Hội LHPN tiếp tục tạo quan tâm, điều kiện, hỗ trợ để mở rộng sản xuất kinh doanh. Trong đó, chúng tôi mong muốn được tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các thành viên; được hỗ trợ mở rộng cơ sở sản xuất, xây dựng điểm trình diễn và giới thiệu sản phẩm mới, kết nạp thêm thành viên, tạo việc làm cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương, giảm tỷ lệ hộ nghèo; để hợp tác xã luôn là điểm tựa vững chắc cho hội viên, phụ nữ vùng Cao nguyên đá Đồng Văn về phát triển kinh tế tại địa phương. 

Đồng Văn là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Hà Giang với trên 87,2% dân tộc Mông sinh sống, Hiện nay, Đồng Văn vẫn là một trong 63 huyện nghèo nhất của cả nước, tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm 67,96%; hộ cận nghèo chiếm 12,38%; hộ không nghèo chỉ chiếm 19,66% theo chuẩn nghèo mới áp dụng giai đoạn 2022-2025.

Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 từng bước thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, đến năm 2030 thoát khỏi huyện nghèo (huyện 30a); đến năm 2045 là huyện phát triển trung bình khá của tỉnh theo mục tiêu đề ra.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm