Khoảng 1 năm trước, ông Hoàng Trọng T. (60 tuổi, ngụ TPHCM) xuất hiện tình trạng bị đau bụng dưới, tiểu khó và tiểu nhiều lần cả ngày lẫn đêm. Nhiều tháng sau, khi các triệu chứng ngày một nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hằng ngày thì ông T. mới tìm đến bệnh viện để thăm khám, điều trị.
Tại bệnh viện, bác sĩ đã thực hiện siêu âm, khám trực tràng, xét nghiệm máu để có được chẩn đoán. Kết quả thăm khám cho thấy ông bị phì đại tuyến tiền liệt. Bệnh nhân đã được chỉ định sử dụng thuốc và điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp. Sau gần 6 tháng điều trị, ông T. không còn bị rối loạn đi tiểu, các hoạt động sinh hoạt đều trở lại bình thường.
PGS.TS.BS Nguyễn Văn Ân, Trưởng khoa Niệu học chức năng - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho biết, nam giới trên 40 tuổi thường bắt đầu phì đại tuyến tiền liệt. Các thống kê cho thấy, 25% nam giới từ 50 đến 60 tuổi sẽ bị phì đại tuyến tiền liệt nhưng chỉ 4% xuất hiện triệu chứng. Càng lớn tuổi, tỉ lệ phì đại tuyến tiền liệt càng cao và tỉ lệ có triệu chứng càng nhiều. Tuyến tiền liệt phì đại sẽ chèn ép làm hẹp niệu đạo, nước tiểu còn tồn dư gây kích thích bàng quang dẫn đến buồn tiểu nhiều lần cả ngày và đêm.
Theo bác sĩ Ân, nguyên nhân gây ra triệu chứng đường tiểu dưới không chỉ do tuyến tiền liệt mà còn nhiều nguyên nhân khác. Có không ít nguyên nhân đến từ những căn bệnh khác, trong đó có u bàng quang, hẹp niệu đạo, nhiễm khuẩn niệu và thậm chí là ung thư. Việc chẩn đoán sớm sẽ giúp xác định được nguyên nhân chính xác gây ra những triệu chứng này.
Để chẩn đoán triệu chứng đường tiểu dưới do phì đại tuyến tiền liệt, bác sĩ sẽ thực hiện khám lâm sàng bằng cách thăm khám hậu môn trực tràng để cảm nhận mặt sau của tuyến tiền liệt hoặc khám bụng để đánh giá kích thước của bàng quang. Bên cạnh đó, người bệnh có thể thực hiện một số xét nghiệm máu và nước tiểu theo yêu cầu của bác sĩ như xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu, xét nghiệm đường huyết, xét nghiệm PSA máu, kiểm tra chức năng thận…
Về điều trị, bác sĩ sẽ thực hiện đánh giá mức độ ảnh hưởng của các triệu chứng đường tiểu dưới theo thang điểm I-PSS để đưa ra chỉ định điều trị phù hợp. Trường hợp người bệnh bị ảnh hưởng nhẹ thì chỉ cần theo dõi, điều chỉnh chế độ sinh hoạt mà không dùng thuốc. Nếu ảnh hưởng ở mức độ vừa và nặng thì cần dùng thuốc. Những trường hợp nặng làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống của người bệnh mà điều trị nội khoa đúng mức mà không cải thiện thì cần can thiệp ngoại khoa. Việc chẩn đoán sớm các triệu chứng của đường tiểu dưới sẽ giúp điều trị đúng, kịp thời, tránh gây ra những ảnh hưởng nặng nề hơn sau này.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn