pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu ở người cao tuổi và cách ngăn ngừa từ sớm
1. Nhiễm trùng đường tiết niệu là gì và nguyên nhân gây ra bệnh ở người cao tuổi
Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) là nhiễm trùng của bất kỳ cơ quan nào trong hệ tiết niệu, bao gồm 2 thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo.
Nguyên nhân nhiễm trùng đường tiểu được gây ra bởi vi khuẩn đến từ ruột, trong đó chiếm tỉ lệ cao nhất vẫn là E.coli. Những vi khuẩn này có thể vô hại với ruột nhưng lại có thể gây viêm nhiễm ở các cơ quan khác của cơ thể.
Một vài vi khuẩn nằm ở rìa hậu môn, sau khi theo phân ra ngoài, có thể xâm nhập vào niệu đạo và bàng quang. Một số loại có khả năng phát triển mạnh trong nước tiểu và nhân lên nhanh chóng gây ra nhiễm trùng.
So với người trẻ tuổi, người cao tuổi dễ mắc bệnh nhiễm trùng đường tiểu hơn. Triệu chứng có thể nặng hơn so với người trẻ. Tỉ lệ mắc nhiễm trùng đường tiểu ở người độ tuổi 60 là 3/10, và độ tuổi 80 là 1/10.
2. Một số triệu chứng viêm đường tiết niệu hay gặp ở người cao tuổi
Cơn đau ở thắt lưng: Một số triệu chứng hay gặp của người bị viêm đường tiết niệu là đau lưng. Cơn đau lưng có thể âm ỉ và xuất hiện từng lúc nhưng cũng có khi đau thành cơn rõ rệt, nhất là mỗi lúc phải bưng bê hoặc xách, mang vật nặng.
Gây nhiễm trùng ở bàng quang (viêm bàng quang): Thường gây ra đau đớn khi đi tiểu, và đi tiểu thường xuyên hơn. Thường đau ở bụng dưới, nước tiểu có thể trở nên đục và có bọt, hoặc có máu hoặc có mùi khó chịu kèm theo sốt.
Gây sốt cao: Nhiễm trùng đường tiểu bao giờ cũng có sốt, ngay cả nhiễm trùng mạn tính (thường sốt nhẹ). Tuy vậy, với người cao tuổi sức yếu, nằm lâu, ít vận động, liệt do tai biến có thể không sốt.
Đi tiểu nhiều lần: Viêm đường tiết niệu thường có dấu hiệu đi tiểu nhiều lần, tiểu khó và có thể tiểu đau, buốt, rát, són. Nước tiểu có thể có mủ, có thể màu hồng.
Mê sảng: Những thay đổi trong hành vi có thể chỉ điểm tình trạng viêm đường tiết niệu ở người cao tuổi bao gồm: bồn chồn, lo lắng, ảo giác, chán ăn, kích động, lú lẫn hoặc giảm linh hoạt, thậm chí hôn mê.
3. Biến chứng nhiễm trùng đường tiết niệu ở người cao tuổi
Nhiễm trùng tiểu khá là phổ biến, nhưng nếu không được điều trị kịp thời, có khả năng dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.
Tổn thương thận: Nhiễm trùng tiểu nếu không được điều trị có thể lan đến thận và gây tổn thương thận hoặc bệnh thận. Nhiễm trùng thận là rất nghiêm trọng và cần phải nhập viện điều trị ngay.
Nhiễm trùng huyết: Đây là một biến chứng đe dọa tính mạng, có thể gây ra các biến chứng khác bao gồm rối loạn chức năng nội tạng, đe dọa mất chi và rối loạn đau mạn tính. Ngay cả khi đã điều trị nhiễm trùng huyết, các biến chứng vẫn có thể xảy ra.
Nếu nghi ngờ có viêm đường tiết niệu, cần làm xét nghiệm nước tiểu. Nuôi cấy nước tiểu có thể xác định vi khuẩn nào đang gây nhiễm trùng để có điều trị phù hợp.
4. Ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiểu
Có một vài cách có thể làm giảm nguy cơ nhiễm trùng tiểu:
- Đối với nam giới
Vệ sinh cá nhân đường sinh dục ngoài và xung quanh vùng sinh dục thật tốt để hạn chế tình trạng nhiễm khuẩn.
Tập thói quen uống nhiều nước nhưng uống vào buổi sáng và chiều, hạn chế uống nhiều nước trước khi đi ngủ buổi tối để tránh đi tiểu đêm, làm ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Mỗi lần buồn đi tiểu thì cần phải đi ngay, không được nhịn tiểu vì nhịn tiểu sẽ làm cho nước tiểu ứ đọng, thời gian lâu sẽ gây bội nhiễm vi khuẩn và nguy cơ làm nhiễm trùng đường tiết niệu ngược dòng.
Đi tiểu trước và sau khi quan hệ tình dục. Khi quan hệ sử dụng các biện pháp an toàn để tránh lây lan các bệnh liên quan đến đường tình dục. Nên sống chung thủy một vợ một chồng.
- Đối với nữ giới
Phụ nữ khi lau chùi hậu môn sau đại tiện, nên lau từ phía trước hướng về phía sau hậu môn là tốt nhất.
Nếu làm ngược lại, có thể vô tình mang mầm bệnh (vi khuẩn) gần hơn với lỗ niệu đạo nơi nước tiểu thoát ra ngoài và tăng nguy cơ xâm nhiễm bàng quang gây nhiễm trùng.
- Về chế độ ăn uống
Ăn nhiều trái cây
Cố gắng ăn nhiều trái cây và chất xơ và uống nhiều nước. Việc này tốt cho đường ruột và sẽ giúp tránh bị táo bón. Táo bón làm ngăn cản việc bài xuất nước tiểu, từ đó có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiểu.
Người cao tuổi nên cố gắng uống đủ lượng nước cần thiết hàng ngày (khoảng 1,5 – 2,0 lít).
Tăng cường vitamin C và sữa chua
Bên cạnh việc bổ sung dinh dưỡng, hãytăng cường sử dụng vitamin C để ngăn ngừa viêm bàng quang và hạn chế được vi khuẩn phát triển ở trong nước tiểu.
Bạn cũng nên bổ sung sữa chua vào khẩu phần ăn hàng ngày là một trong những cách tốt nhất để bảo vệ bàng quang, ruột.
Trong sữa chua có chứa sinh vật Probiotics, đây là vi sinh vật có lợi hoặc nấm men. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các vi sinh vật có lợi sẽ cải thiện sức khỏe tổng thể và tiêu hóa, hỗ trợ thận trong việc xử lý các loại chất thải, cũng như làm giảm khả năng phát triển sỏi thận.