- Thưa bà Ma Thị Ninh, hợp tác xã Yến Dương đã lựa chọn triển khai mô hình hợp tác theo chuỗi liên kết, gắn kết các khâu sản xuất, chế biến đến quảng bá, tiêu thụ sản phẩm của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số như thế nào? Xin bà cho biết kết quả của hoạt động này như thế nào?
Ba Bể quê hương tôi có rất nhiều đặc sản như miến dong, gừng, nghệ, lúa gạo… Đặc biệt, có một sản phẩm là quả bí thơm. Đây là loại quả bí quả nhỏ, hương vị đặc trưng, đã có từ xa xưa và chưa ra khỏi bản bao giờ. Nhưng đến hiện nay, nhắc đến bí thơm là nhắc đến Bắc Kạn. Giá trị của quả bí đã được tăng lên rất nhiều. Tất cả đều nhờ có kết nối và liên kết sản xuất với hợp tác xã.
Hợp tác xã Yến Dương được thành lập từ năm 2018, khi đó mới có 7 thành viên và 76 hộ liên kết hoạt động với quy mô nhỏ lẻ.
Qua 5 năm hoạt động, dựa vào lợi thế của địa phương cho đến hiện nay, số hộ liên kết của hợp tác xã từ 76 hộ tăng lên 430 hộ dân. Số hộ thành viên chính thức cũng tăng từ 7 lên đến 20 thành viên.
Trong quá trình hoạt động, vai trò kinh tế tập thể hợp tác xã thể hiện rõ nhất thông qua sự kết nối, gắn kết. đưa các chính sách của Nhà nước và các chương trình, tổ chức khác đến cho những hộ dân. Chúng tôi nhận được nhiều hỗ trợ, từ vật tư đầu vào như phân bón, tập huấn kỹ thuật và chuyển giao khoa học công nghệ và nguồn vay vốn quay vòng để sản xuất. Từ đó, hợp tác xã khiến bà con tin tưởng, tham gia.
Trong quá trình hoạt động, chúng tôi cũng chú ý đến các vấn đề về môi trường, về chất lượng. Hợp tác xã Yến Dương đã tập trung về chất lượng, không tập trung về số lượng. Cho đến hiện nay những sản phẩm của Hợp tác xã Yến Dương đã đạt được một số chứng nhận như: OCOP 4 sao cho 3 sản phẩm: gạo nếp tài, miến dong và bí thơm. Bên cạnh đó chúng tôi cũng đạt một số chứng nhận về tiêu chuẩn hữu cơ PGS và tiêu chuẩn TCVN. Trong năm nay chúng tôi đang hoàn thiện thủ tục chuyển đổi của tiêu chuẩn VietGAP.
Đặc biệt, để tìm đầu ra cho các sản phẩm của HTX, vấn đề xúc tiến thương mại các sản phẩm rất quan trọng. Nhờ sự can thiệp của các cơ quan ban, ngành từ Trung ương đến địa phương đã xây dựng và tạo ra nhiều sự kiện, lễ hội… Qua đó, chúng tôi được kết nối, được làm việc và gặp gỡ các đối tác, các nhà bán lẻ, các siêu thị, hệ thống. Bà con được tiếp cận, hợp tác xã được tiếp cận và kết quả cho đến nay, chúng tôi luôn luôn tiêu thụ sản phẩm thành công theo kế hoạch đã đề ra của hợp tác xã.
- Không chỉ tập trung sản xuất, HTX còn nghiên cứu, sáng tạo để chế biến sâu quả bí thơm Bắc Kạn, tạo ra các sản phẩm mới như trà bí thơm, bột bí, mứt bí cũng như tạo ra bản sắc, thương hiệu của sản phẩm… Vậy những hoạt động này đã đem lại thành công như thế nào trong việc mở rộng tiêu thụ sản phẩm của bà con tại các hệ thống phân phối hiện đại?
Mới đầu, chúng tôi bán quả bí thơm khi chưa có khoa học công nghệ, chưa có tư duy kinh tế cũng như chưa tìm hiểu, tìm tòi và phát triển về khoa học, thu nhập rất thấp. Tuy nhiên, khi phát triển chế biến sâu sản phẩm đã nâng cao giá trị kinh tế cũng như ổn định đời sống cho bà con. Việc sản xuất ra sản phẩm trà bí thơm là một hướng đi đúng đắn và đây là giải pháp xóa đói giảm nghèo cho địa phương.
Năm 2022, HTX Yến Dương kết hợp nhiều đề tài khoa học cấp tỉnh để phát triển và chế biến ra sản phẩm trà bí thơm. Sản phẩm bán thị trường đã được người tiêu dùng, khách hàng và đối tác ưa chuộng. Chúng tôi cũng luôn thay đổi mẫu mã bao bì theo thị hiếu và nhu cầu của thị trường, nhu cầu của khách hàng. Đặc biệt, về chất lượng chúng tôi cũng đạt OCOP 4 sao và đáp ứng các tiêu chuẩn PGS và chuyển đổi của VietGAP. Càng ngày việc chế biến ra sản phẩm trà càng được cải tiến và kinh tế ngày càng được nâng cao hơn.
- Hiện nay, các sản phẩm của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua Hợp tác xã Yến Dương đã được tiêu thụ ở các kênh phân phối hiện đại nào? Trong quá trình mở rộng tiêu thụ ở các hệ thống này, HTX đã gặp những khó khăn gì và đâu là những yếu tố khó vượt qua nhất?
HTX có thuận lợi song khó khăn cũng rất nhiều. Đối với HTX Yến Dương, trong chuỗi liên kết quả bí xanh thơm, năm 2023 tổng cả tỉnh Bắc Kạn có hơn 200 ha, trong đó HTX Yến Dương chỉ có 20 ha, quy ra sản lượng hàng năm tiêu thụ từ 500 - 700 tấn/năm. Chúng tôi sẽ giữ lại một phần sản lượng để chế biến sâu sản phẩm, nâng cao giá trị.
Để thúc đẩy tiêu thụ, HTX Yến Dương đã được tham gia nhiều hội nghị, chương trình xúc tiến thương mại để tiếp cận, kết nối với các chuỗi thực phẩm sạch, siêu thị, hệ thống phân phối hiện đại để mở rộng thị trường. Tuy nhiên chúng tôi cũng chỉ là một HTX nhỏ, sản lượng sản xuất và tiêu thụ chưa theo được kế hoạch của cấp huyện, cấp tỉnh đề ra mà chỉ là HTX tự đề ra thôi.
Ngoài ra, HTX chúng tôi dù đã đưa được sản phẩm vào siêu thị nhưng lại không được trực tiếp ký kết hợp đồng, chỉ thông qua một số đối tác để đưa sản phẩm vào Big C, WinMart, MM Mega Market hay các hệ thống chuỗi thực phẩm sạch như Sói Biển, Bác Tôm, Big Green. Nhưng số lượng hàng cũng còn quá nhỏ, chưa đủ để HTX tiếp cận và mang lại giá trị nhiều cho bà con. Mặc dù đã tiêu thụ thành công nhưng quá trình tiêu thụ kéo dài, dẫn đến hạn chế về vấn đề hàng tồn.
Đặc biệt, về logistics thì vận chuyển và kho bãi của HTX cũng là một vấn đề rất khó khăn. Vì quả bí thơm của chúng tôi khi đi bán không phải 1-2 quả mà là cả nghìn quả, tính theo tấn, HTX phải có xe tải mới đi được. Nếu thuê vận chuyển thì chi phí lên cao, trong khi các điểm bán không có kho bãi để lưu lại chờ mang hàng lên kệ.
Rất mong muốn rằng từ sự khó khăn như vậy thì các siêu thị, hệ thống phân phối hiện đại sẽ có những chính sách hỗ trợ HTX, làm sao để bà con đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao tiếp cận được, như chính sách về hàng hóa, tài chính, công nợ,… để có thể quay vòng nhanh, bà con được thuận lợi trong quá trình giao nhận hàng hóa.
- Xin cảm ơn bà!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn