pnvnonline@phunuvietnam.vn
Kết nối giao thương, thúc đẩy tiêu thụ nông sản tiềm năng của miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo
Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo thu hẹp khoảng cách về phát triển thương mại của khu vực này với các vùng miền khác
Nhiều chính sách phát huy hiệu quả
Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế các vùng đặc biệt khó khăn, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành và địa phương đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách về phát triển các vùng khó khăn theo phạm vi quản lý Nhà nước được giao. Có thể kể đến các chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, về giảm nghèo; và đặc biệt là Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; cũng như các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các đề án, chương trình thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm hàng Việt Nam, hàng hóa của miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo...
Đánh giá về việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế này, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho biết: Các chính sách này bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực về sản xuất, phân phối và tiêu dùng trên các địa bàn còn nhiều khó khăn.
Trong đó, không thể không kể đến Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 964/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2015 và tiếp nối là giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1162/QĐ-TTg ngày 13/7/2021. Chương trình được thực hiện tại 287 huyện có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn thuộc 48 tỉnh/thành phố trên cả nước.
Đây là chương trình đặc thù, hết sức cần thiết nhằm xây dựng và phát triển hệ thống phân phối sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, thu hẹp khoảng cách về phát triển thương mại của khu vực này với các vùng miền khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng tại khu vực này.
Triển khai Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan bám sát mục tiêu của Chương trình triển khai rất nhiều các đề án, nhiệm vụ, tập trung.
Trong đó chủ yếu vào các nội dung chính như: Xây dựng mô hình phát triển các mặt hàng tiềm năng lợi thế; Các hoạt động khuyến khích, thúc đẩy phát triển các mặt hàng là tiềm năng, lợi thế của địa phương; Phát triển thương mại hàng hóa và dịch vụ của khu vực gắn với hoạt động du lịch biển đảo; Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử phục vụ phát triển thương mại tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; Phát triển đội ngũ thương nhân, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn; Phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; Phát triển năng lực chuyên môn cho cán bộ làm công tác phát triển thương mại và các hoạt động thông tin, tuyên truyền về phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Phát triển sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của các địa phương
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã chú trọng vào các hoạt động kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ hàng nông sản, các sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của địa phương như: Hỗ trợ triển khai kết nối và thu hút được các thương nhân, doanh nghiệp đầu tư, phát triển hoạt động thu mua, quảng bá sản phẩm hàng hóa nông lâm thủy sản; tổ chức các Hội nghị, hội thảo, hội chợ trưng bày, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, có lợi thế của các địa phương nhằm kết nối tiêu thụ ổn định vào chuỗi phân phối của các siêu thị lớn trong nước và xuất khẩu; hỗ trợ các địa phương tổ chức xây dựng mô hình phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa bàn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm tiềm năng, lợi thế của các địa phương.
Đồng thời, Bộ cũng tổ chức Hội nghị/Hội thảo giới thiệu, quảng bá, mở rộng thị trường, kết nối tiêu thụ nông sản, sản phẩm thế mạnh của địa phương vào các kênh phân phối hiện đại, bước đầu hình thành những chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng vùng miền theo hướng hiện đại, bền vững. Đặc biệt đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong việc hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh của địa phương khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo để tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong thời đại mới.
Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc quảng bá, giới thiệu, kết nối giao thương phát triển thị trường cho sản phẩm hàng hóa đặc trưng, lợi thế của các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trên cả nước, Bộ Công Thương cũng ban hành các ấn phẩm "Hàng hóa thương hiệu miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo Việt Nam"; xây dựng và duy trì trang thông tin http://sanphamvungmien.vn với hơn 870 bài viết giới thiệu, quảng bá, tuyên truyền cho các sản phẩm của vùng miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, 3.528 các tin cập nhật về giá hàng hóa tại các chợ, siêu thị, 4.023 tin về chính sách, sản xuất, tiêu thụ, giao thương, doanh nghiệp, sự kiện… tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng và hải đảo.
Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm được sản xuất trên địa bàn, hình thành hệ thống phân phối, mối liên kết giữa các vùng, miền để tạo thành một chuỗi cung ứng - tiêu thụ có tính liên tục góp phần giảm nghèo bền vững khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; nâng cao thu nhập của người dân khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; củng cố an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền quốc gia trên địa bàn miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.