Tết Nguyên Tiêu hay Tết Thượng Nguyên là cách gọi khác của rằm tháng Giêng. Đây là rằm đầu tiên của năm mới theo lịch âm của người Việt và cũng là ngày chính rằm rất quan trọng trong phong tục Việt Nam.
Trong cuốn "Cơ sở văn hóa Việt Nam", GS Trần Ngọc Thêm viết, người Việt coi trọng cái ban đầu, nên không chỉ ngày đầu năm, mà tháng đầu năm cũng đặc biệt quan trọng.
Rằm tháng Giêng là một Tết nằm trong hệ thống Thượng - Trung - Hạ nguyên (là rằm tháng Giêng, rằm tháng 7 và rằm tháng 10). Rằm tháng Giêng mang ý nghĩa là Tết hướng thiên cầu phúc, cầu một năm mới bình an, may mắn cho cả gia đình
Theo các nghiên cứu văn hóa dân gian, trong tâm thức người Việt, rằm tháng Giêng có ý nghĩa không khác gì ngày Tết Nguyên đán.
Lễ rằm tháng Giêng còn gọi là Tết muộn, bởi những gia đình khá giả tiếp tục ăn Tết và chơi hoa mai, hoa đào nở muộn.
Dịp này, những người không may đau yếu vào đúng dịp Tết, sau Tết đã khỏe mạnh trở lại hoặc nhiều gia đình tang ma có người chết vào dịp Tết Nguyên Đán được ăn Tết bù... Những người đi làm ăn xa cũng đợi qua ngày rằm tháng Giêng mới lên đường.
Với những người nông dân, sau một năm lao động vất vả, người dân tự thưởng cho mình một thời gian ngắn để nghỉ ngơi, du xuân. Tết Nguyên Tiêu đánh dấu sự kết thúc tháng "ăn chơi" để bắt tay vào công việc của một năm mới.
Còn với những người theo đạo Phật, rằm tháng Giêng là ngày chư Tăng tập trung đông đủ để nghe Phật thuyết Pháp. Những người theo đạo Phật dùng ngày này để tưởng nhớ đức Phật, làm lễ cầu bình an…
Dù lý giải theo cách nào, ngày Rằm tháng Giêng vẫn là ngày rằm đầu tiên của năm mới theo lịch âm của người Việt. Đây cũng là một trong những ngày lễ quan trọng, theo quan niệm được truyền lại từ xa xưa: "Cúng lễ quanh năm không bằng rằm tháng Giêng", hay "Lễ Phật quanh năm không bằng rằm tháng Giêng".
Ngày nay, dù thời gian và nghi thức cúng lễ có nhiều thay đổi, nhưng lễ cúng rằm đầu tiên trong năm mới vẫn được nhiều gia đình chú trọng và soạn sửa kỹ lưỡng, với mong muốn cả năm sẽ được may mắn, bình an.
Lễ cúng rằm tháng Giêng là nơi để con cháu bày tỏ lòng hiếu kính với ông bà, cha mẹ, tạ ơn trên đã phù hộ gia đình được an lành, may mắn, công việc thuận buồm xuôi gió. Theo phong tục xưa truyền lại, cúng Rằm tháng Giêng vào ngày chính Rằm (15 âm lịch) là tốt nhất. Bởi theo lý giải, đây là thời gian Thần Phật giáng thế, gia ân độ trì chúng sinh, thành tâm cầu khấn sẽ được như nguyện ước.
Rằm tháng Giêng 2021 rơi vào ngày thứ Sáu, 26/2/2021. Nghi lễ cúng nên diễn ra vào buổi sáng sớm (giờ Thìn: 7h – 9h), chính Ngọ (từ 11h đến 13h), hoặc giờ Mùi (13h-15h) là các cung giờ đẹp.
Tuy nhiên, nếu không sắp xếp được thời gian trên, có thể làm lễ cúng từ ngày 14 tháng Giêng âm lịch, trong các giờ đẹp là: giờ Thìn (7h-9h); giờ Tỵ (9h-11h); giờ Thân (15h-17h); giờ Dậu (17h-19h).
Cúng rằm tháng Giêng không nhất thiết phải mâm cao cỗ đầy mà gia đình nên "tùy tiền biện lễ", dựa vào hoàn cảnh và điều kiện kinh tế của mình để chuẩn bị sao cho phù hợp, chú trọng yếu tố thành tâm, nghiêm túc. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp như hiện tại, hạn chế đến chỗ đông người là cách tự bảo vệ bản thân và những người xung quanh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn