Tôi lập gia đình đã ngót nghét 15 năm. Chừng ấy năm đủ để tôi có kha khá kinh nghiệm chăm lo lễ, Tết cho gia đình nhỏ của mình. Nhưng cứ sau mỗi dịp nghỉ Tết âm lịch hàng năm, chắc chắn mẹ tôi lại liên tục nhắc nhở "Dù bận rộn thế nào, cũng phải chuẩn bị cho lễ cúng rằm thật tươm tất, bởi lẽ “Cúng quanh năm không bằng rằm tháng Giêng”.
"Cúng quanh năm không bằng rằm tháng Giêng”, tại sao rằm tháng Giêng được người Việt coi trọng đến vậy? Tôi đi tìm và nhận được rất nhiều câu trả lời về ý nghĩa của ngày rằm đầu tiên trong năm này.
"Tết muộn"
Theo cách lý giải của những người dân vùng chiêm trũng, nơi các dì, các cậu tôi sinh sống, tính theo nông lịch, rằm tháng Giêng là thời điểm khởi đầu cho một mùa vụ mới, rằm tháng Giêng được tổ chức linh đình, để cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Với một người sống lâu năm tại làng Ngọc Hà (Hà Nội) như mẹ chồng tôi, bà giải thích, rằm tháng Giêng là rằm đầu tiên của năm mới theo lịch âm của người Việt. Vào ngày này, mọi nhà đều chuẩn bị làm lễ cúng rất tươm tất, chu đáo, với mong muốn cầu một năm mới bình an, may mắn. Khi xưa, nhiều gia đình khá giả tại Hà Nội còn có kéo dài ngày xuân bằng cách chơi hoa đào nở muộn, hoa lê rừng…, nên rằm tháng Giêng, còn được coi như Tết muộn, để con cháu quây quần, sum họp, tưởng nhớ ông bà, tổ tiên.
Đem thắc mắc với một cô bạn là Phật tử, tôi được cô ấy cho biết thêm, những người theo đạo Phật thì luôn tâm niệm: “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng”, bởi tháng Giêng là tháng nhiều đền, chùa khắp mọi miền đất nước tổ chức các lễ hội cầu cho năm mới may mắn, bình an. Vào ngày rằm tháng Giêng, lên chùa, lễ Phật để cả năm được vẹn tròn.
Rằm tháng Giêng không chỉ quan trọng trong suy nghĩ, trong quan niệm truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, mà trong cả các nghiên cứu về văn hóa dân tộc. Trong cuốn “Cơ sở văn hóa Việt Nam”, GS Trần Ngọc Thêm viết, người Việt coi trọng cái ban đầu, nên không chỉ ngày đầu năm, mà tháng đầu năm cũng đặc biệt quan trọng. Rằm tháng Giêng còn được gọi là Tết Nguyên Tiêu là một Tết nằm trong hệ thống Thượng - Trung - Hạ nguyên (là rằm tháng Giêng, rằm tháng 7 và rằm tháng 10). Rằm tháng Giêng mang ý nghĩa là Tết hướng thiên cầu phúc, cầu một năm mới bình an, may mắn cho cả gia đình.
Dù có hiểu, có giải thích theo cách nào, rằm tháng Giêng vẫn là một ngày lễ quan trọng, là dịp các gia đình dù có bận rộn đến đâu cũng sắp xếp mâm cúng tươm tất, trọn vẹn nhất để dâng cúng tổ tiên và cả gia đình cùng nhau sum họp.
Rằm tháng Giêng, cúng sao cho đúng?
Theo quan niệm dân gian, lễ cúng Rằm tháng Giêng là nơi để con cháu bày tỏ lòng hiếu kính với ông bà, cha mẹ, tạ ơn trên đã phù hộ gia đình được an lành, may mắn, công việc thuận buồm xuôi gió.
Lễ cúng rằm tháng Giêng được tổ chức vào ngày chính rằm - 15 tháng Giêng là tốt nhất và nên cúng vào buổi sáng. Tuy nhiên, tùy theo điều kiện gia đình, có thể cúng sớm rằm sớm hơn.
Lễ cúng rằm tháng Giêng thường bao gồm mâm cỗ chay để cúng Phật và mâm cỗ mặn để cúng gia tiên.
Tùy theo phong tục của từng địa phương và từng gia đình, lễ cúng rằm tháng Giêng có thể khác nhau, nhưng trong mâm cỗ chay thường có các món như hoa tươi, trái cây, xôi, chè, bánh trôi nước và một số món ăn chay như xào thập cẩm, giò chay, nem chay… Các món ăn mâm cỗ chay thường được chú trọng hài hòa, cân bằng về màu sắc, tượng trưng cho ngũ hành.
Mâm cỗ mặn cúng gia tiên theo chuẩn của người Hà Nội xưa sẽ được chuẩn bị gồm 10 món, với 4 bát (gồm bát ninh măng, bát bóng, bát miến, bát mọc) và 6 đĩa (bao gồm thịt gà trống hoặc thịt luộc, giò (hoặc chả), nem, món xào, dưa muối, xôi (hoặc bánh chưng), nước chấm.
Cuộc sống ngày càng bận rộn, mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng cũng có nhiều thay đổi, tùy theo điều kiện của từng gia đình. Nếu thành tâm hướng đến tổ tiên, ông bà, thì dù bạn biện đủ mâm cao cỗ đầy hay chỉ thanh bông hoa quả, bạn cũng có một lễ cúng rằm tháng Giêng thật ý nghĩa để khởi đầu một năm mới hanh thông, may mắn.