19 năm đã qua, người Mỹ chưa nguôi nỗi đau về vụ tấn công khủng bố ngày 11/9

14:29 | 11/09/2020;
19 năm đã qua đi nhưng nỗi đau về sự mất mát sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001 mãi mãi hằn sâu trong tâm trí của người dân Mỹ.

Đây là một trong những vụ khủng bố đẫm máu nhất lịch sử nhân loại, là nỗi ám ảnh kinh hoàng của nước Mỹ và toàn thế giới. 4 chiếc máy bay Boeing của Mỹ đã bị những phần tử khủng bố Al-Qaeda khống chế, biến chúng thành những quả bom, chuyển hướng lao thẳng vào những mục tiêu được xem là biểu tượng của Mỹ: Washington D.C - trung tâm chính trị, Lầu Năm Góc - trung tâm quân sự, tòa tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới (WTC) ở New York - trung tâm kinh tế của nước Mỹ.

Chỉ trong vòng 102 phút, cả hai tòa tháp của WTC đã sụp đổ hoàn toàn.

Ký ức đau thương của người Mỹ về vụ tấn công khủng bố ngày 11/9 - Ảnh 1.

Khói lửa bốc lên từ một trong hai tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại thế giới sau khi bị tấn công khủng bố bằng máy bay ở New York, Mỹ, ngày 11/9/2001

Tổng cộng 2.977 người đã thiệt mạng, hơn 6.000  người bị thương. Có gần 400 lính cứu hỏa và cảnh sát thiệt mạng khi tham gia giải cứu người kẹt trong tòa tháp đôi WTC.

Thiệt hại về tài sản và cơ sở hạ tầng ít nhất 10 tỷ USD, đồng thời gây những tổn thất tổng cộng ước tính lên tới 3.000 tỷ USD. Bên cạnh đó, thảm kịch 11/9 đã để lại vô số hệ lụy về sức khỏe, gây ra những vết thương tâm lý dai dẳng, đặc biệt đối với người dân New York. 

Sau gần 20 năm, hàng nghìn người Mỹ vẫn đang phải gánh chịu những di chứng như ung thư, bệnh nặng do tàn dư của vụ tấn công ngày 11/9. Nhiều người đã tiếp xúc với lượng lớn chất hóa học độc hại thải ra môi trường sau khi 2 tòa tháp bị đâm sập.

Ký ức đau thương của người Mỹ về vụ tấn công khủng bố ngày 11/9 - Ảnh 2.

Nỗi đau của người Mỹ

Cuốn vào vòng xoáy của cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu từ năm 2001 đến nay, theo thống kê, cường quốc số 1 thế giới này cũng đã phải tiêu tốn khoảng 6.400 tỷ USD, tập trung chủ yếu ở Afghanistan, Pakistan, Iraq, Syria và Yemen.

Năm nay, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, buổi lễ tưởng niệm sẽ diễn ra tại quảng trường tưởng niệm ngày 11/9 và một góc gần Trung tâm Thương mại Thế giới. Phó Tổng thống Mike Pence dự kiến sẽ có mặt tại cả hai lễ tưởng niệm đó ở New York, trong khi Tổng thống Donald Trump và ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden sẽ tham dự một buổi lễ tại Trung tâm tưởng niệm Quốc gia Chuyến bay 93 ở Pennsylvania.

Ký ức đau thương của người Mỹ về vụ tấn công khủng bố ngày 11/9 - Ảnh 3.

Những lá cờ tưởng niệm các nạn nhân của vụ tấn công khủng bố

Tại New York, kế hoạch thắp chùm ánh sáng kép gợi lên hình ảnh tòa tháp đôi đã bị hủy bỏ vì lý do đảm bảo an toàn phòng dịch. Sở Cứu hỏa cũng trích dẫn lý do ngăn virus lây lan để kêu gọi người dân không tụ tập đông tại các khu vực quan sát tưởng nhớ.

Lễ kỷ niệm năm nay không có buổi đọc tên trực tiếp. Thay vào đó, bản ghi âm đọc tên của các nạn nhân được sử dụng để tránh sự tiếp xúc gần gũi. Gia đình các nạn nhân tập trung tại Quảng trường tưởng niệm đồng thời tuân thủ các hướng dẫn về giãn cách xã hội. Bảo tàng tưởng niệm 11/9 sẽ mở cửa trở lại cho gia đình các nạn nhân trong ngày này và tiếp tục đón công chúng vào ngày 12/9/2020.

Ký ức đau thương của người Mỹ về vụ tấn công khủng bố ngày 11/9 - Ảnh 4.

Lễ tưởng niệm 11/9/2020

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn