Hoàng Anh Trung (sinh năm 1997) đã lên ý tưởng chính thực hiện bộ truyện tranh "Thành phố nhựa tái chế Plaslantic". Bộ sách là hành trình 1.000 ngày liên tục của Hoàng Anh Trung trong quá trình thực hiện các hành động bảo vệ môi trường.
Hành trình của Trung và các bạn trẻ trong nhóm Plaslantic đã được bạn bè trong nước và quốc tế đánh giá cao, có sức lan toả về tính giáo dục văn hoá phòng chống rác thải nhựa. Ngoài ra, nhóm còn làm những workshop dạy vẽ Doodle lên những chai nhựa, quần áo cũ cho nhân viên của các doanh nghiệp, các hệ thống giáo dục quốc tế, các cô nhi viện…
Theo Hoàng Anh Trung, hiệu quả tích cực nhất từ dự án tới môi trường chính là để các hoạt động bảo vệ môi trường, văn hoá phòng chống rác thải nhựa len lỏi vào đời sống. Việc giáo dục cho thế hệ tương lai chính là cầu nối hiệu quả nhất.
"Khi được nhìn thấy nụ cười hồn nhiên của các em nhỏ khi cầm cuốn sách trên tay, tự tay tô màu và học những bài học về môi trường sống và Trái Đất, chúng mình nhận thấy bản thân cần tiếp tục phát triển dự án hơn nữa. Thông qua giáo dục bằng hình ảnh, dự án có khả năng tiếp cận với trẻ em trên toàn thế giới để cùng nhau lan toả thông điệp "Phòng chống và tái sử dụng rác thải nhựa - Hãy cùng hành động ngay trước khi quá muộn!", Trung chia sẻ.
Mặc dù câu chuyện trên sách chỉ là giả lập một thế giới tương lai nhưng dựa trên rất nhiều sự kiện trong hiện tại đã kích thích bộ não sáng tạo của trẻ, để các em tìm ra nhiều sáng kiến bảo vệ môi trường trong tương lai.
Hoàng Anh Trung thực hiện dự án này vào năm 2023. Để thực hiện được dự án, Trung đã gặp các chuyên gia về bảo vệ môi trường để có cái nhìn sâu hơn về thực tế.
"Mình đã gặp những người làm thực tế về môi trường, họ đã truyền cảm hứng cho mình để tiếp tục cuộc hành trình với câu chuyện của "Thành phố nhựa tái chế Plaslantic". Thầy giáo dạy vẽ Doodle của nhóm là thầy Mauro Martin, là một trong 200 nghệ sĩ vẽ minh hoạ tốt nhất thế giới năm 2020. Thầy rất vui khi thấy các học sinh của mình áp dụng trường phái nghệ thuật vẽ Doodle vào dự án và đã đồng hành cùng nhóm trong dự án này", Hoàng Anh Trung cho biết.
Không chỉ thực hiện bộ sách mang tính giáo dục cao về môi trường, nhóm còn có nhiều hoạt động thực tế về môi trường. Mỗi ngày, nhóm đều tích cực thu gom chai nhựa để gửi cho các thương hiệu thời trang tái chế thành quần áo với công nghệ từ Đức (5 chai nhựa sẽ được kéo sợi và tái chế thành 1 áo thun hoặc túi).
Nhóm còn tổ chức nhiều workshop cho các em nhỏ, các doanh nghiệp và phát hành sách vào các hệ thống giáo dục quốc tế. Tới nay, dự án đã tiếp cận được với 8.300 người qua kênh facebook.
Vì là dự án cộng đồng nên kinh phí hạn hẹp và thời gian cũng gấp rút nên nhóm đã nỗ lực thực hiện không ngừng nghỉ ngày đêm để kịp ngày ra mắt. Nhóm đều là các bạn trẻ yêu công việc bảo vệ môi trường chưa có nhiều kinh nghiệm, tuy nhiên nhóm đã đạt được các mục tiêu đã đề ra. Trong tương lai, nhóm muốn đào tạo thêm nhiều bạn trẻ nữa để dự án phát triển rộng hơn.
Chia sẻ về giải Ba "Sáng kiến tiêu dùng xanh, giảm ô nhiễm nhựa", Hoàng Anh Trung cho biết, cuộc thi là hoạt động nằm trong Dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương Việt Nam". Các ý tưởng sáng tạo và mô hình hay về tiêu dùng xanh thông minh đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Nhóm hy vọng qua dự án sẽ góp phần thúc đẩy tái sử dụng, tái chế và khám phá những giải pháp thân thiện với môi trường. Góp phần xây dựng một tương lai bền vững, môi trường trong lành, và cơ hội phát triển tốt đẹp cho đất nước.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn