pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu
Việc phân loại rác thải đã được hội viên, phụ nữ thôn Cổ Am thực hiện ngay tại hộ gia đình
Mỗi lúc rảnh rỗi, bà Nguyễn Thị Lý và các thành viên trong mô hình lại đi đến từng nhà trong thôn, "xin rác" từ các hộ gia đình. Như những con ong chăm chỉ, các bà, các chị đã tích cóp từng chút một từ những món đồ bỏ đi, quyên góp và bán được hàng chục triệu đồng để san sẻ yêu thương với những phận đời thiếu thốn, khó khăn.
Gây quỹ từ phế liệu
"Trong quá trình triển khai, ban đầu cũng có một chị em e ngại bởi làm như vậy khác gì đi thu mua đồng nát. Nhưng được các chị trong Hội LHPN phân tích, tuyên truyền, vận động và nhận thấy ý nghĩa thực tế từ hoạt động thu gom rác thải, vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa gây quỹ nên chị em phụ nữ trong thôn ai nấy đều nhiệt tình hưởng ứng", bà Lý chia sẻ.
Dần dần, như một thói quen, những loại phế liệu được các gia đình thu gom, giữ lại để ủng hộ Chi hội phụ nữ thôn bán gây quỹ. Đều đặn vào ngày 24 mỗi tháng, hội viên phụ nữ và bà con trong thôn Cổ Am lại tíu tít gọi nhau mang phế liệu ra tập trung tại nhà văn hóa thôn. Từ những chiếc vỏ lon, chai nhựa, những mẩu bìa, mẩu giấy, những phế liệu tưởng chừng như bỏ đi, các chị đã thành lập Mô hình "Biến rác thải thành tiền". Đây là một trong những hoạt động sôi nổi nhất của Hội bởi đây là mô hình thiết thực, phù hợp với phụ nữ nông thôn.
Nhân rộng mô hình
Chị Nguyễn Thị Huyền, Chủ tịch Hội LHPN xã Vũ Ninh cho biết: "Năm 2022 thực hiện kế hoạch của Hội LHPN huyện Kiến Xương về thực hiện mô hình "Biến rác thải thành tiền", Hội LHPN xã đã xây dựng kế hoạch triển khai đến các chi hội thực hiện mô hình Hội vận động các hộ gia đình phân loại rác thải ngay tại hộ gia đình.
Thời gian đầu, chúng tôi gặp nhiều khó khăn lắm. Bà con trong thôn, thậm chí cả người thân của các chị chi trưởng phụ nữ tỏ ra khó chịu bởi công việc thu gom đồ đồng nát khá mất công, mất sức, nhặt nhạnh đủ thứ phế thải người dân bỏ đi. Rồi lại phải phân loại, liên hệ với các điểm thu mua để bán lấy kinh phí, mỗi đợt không được là bao. Nhưng những việc làm tưởng chừng như nhỏ bé ấy cũng đã nhân lên thành việc lớn.
Đến nay, đã có 10/10 chi hội thực hiện mô hình. Tổng số tiền thu được là: 50.050.000 đồng. Chúng tôi đã tặng 30 lượt chị em và 12 lượt các cháu có hoàn cảnh khó khăn ốm đau đột xuất với tổng số tiền là: 16.800.000 đồng, nhận đỡ đầu 1 cháu với số tiền là 2.400.000 đồng/năm".
"Việc thu gom rác thải có thể tái chế, biến rác thải thành tiền đã gây quỹ cho các chi hội, giúp đỡ hội viên phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Qua đó nâng cao nhận thức của hội viên và người dân trong xã về phân loại rác thải, góp phần hạn chế việc vứt rác thải bừa bãi, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp và duy trì tốt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu", chị Nguyễn Thị Huyền nhấn mạnh.
Để những hành động bảo vệ môi trường cũng như ủng hộ phế liệu trở thành thói quen. Hội LHPN xã Vũ Ninh cũng tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng qua các buổi sinh hoạt hội viên để chị em nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ môi trường nói chung và công tác phân loại thu gom tái chế rác thải nói riêng, đồng thời biểu dương các chi hội hội viên đã tích cực tham gia thực hiện mô hình "Biến rác thải thành tiền".
Chia sẻ về kinh nghiệm vận động, thu hút hội viên tham gia mô hình "Biến rác thải thành tiền", chị Nguyễn Thị Huyền cho biết: Hội LHPN xã không giao chỉ tiêu cụ thể, mà luôn động viên các chi hội cố gắng thực hiện. Dù được một vài trăm nghìn mỗi đợt trong một tháng cũng quý, bởi với số tiền đó đã có thể giúp đỡ được một số phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.
Ngoài ra, các chị em viết bài tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở; tổ chức quyên góp ngay tại các buổi tập dân vũ ở hội trường thôn để hội viên, phụ nữ và bà con biết đến mô hình. Đồng thời, Hội LHPN xã cũng tổ chức biểu dương các chi hội, hội viên đã tích cực tham gia thực hiện mô hình "Biến rác thải thành tiền". Từ đó, đã khích lệ chị em tích cực tham gia.
Mô hình "Biến rác thải thành tiền" của Hội LHPN xã Vũ Ninh không chỉ là một mô hình nhân văn sâu sắc và hiệu quả mà còn khẳng định vai trò của hội viên, phụ nữ trong bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
* Thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương