Lạng Sơn: Cùng phụ nữ miền núi phát triển thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm

16:18 | 05/11/2024;
Những năm gần đây, các hoạt động hỗ trợ hội viên phụ nữ quảng bá, phát triển sản phẩm đã được các cấp Hội phụ nữ tỉnh Lạng Sơn chú trọng, góp phần hình thành chuỗi cung ứng, tiêu thụ cho sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Từ năm 2019, chị Tạ Thị Hoa (thôn Hoàng Tâm, xã Hoàng Đồng, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) đã ấp ủ ý tưởng sử dụng các loại thảo dược như: cỏ mần trầu, vỏ bưởi, gừng, bồ kết, lá trà xanh, lá xoan, sả… để chế biến thành dầu gội sản phẩm chăm sóc tóc từ nguyên liệu tự nhiên mà không phải mất thời gian, công sức đun nấu.

Chị Hoa chia sẻ: Quá trình nghiên cứu, sản xuất sản phẩm dầu gội, dầu xả tóc từ thảo dược gặp không ít khó khăn như sau một thời gian sản phẩm bị tách nước, không giữ được độ ổn định về hình thức, thời gian bảo quản ngắn… Khắc phục tình trạng này, một số chất phụ gia cho mỹ phẩm được Bộ Y tế cấp phép sử dụng được chị thêm vào với liều lượng phù hợp đã tạo sự ổn định, đồng nhất cho sản phẩm. Đồng thời, thời gian bảo quản cũng được kéo dài.

Bên cạnh chú trọng nghiên cứu quy trình sản xuất sản phẩm, chị Hoa chủ động xây dựng khu vực sản xuất với các gian phòng riêng biệt cho từng công đoạn. Các máy móc thiết bị hiện đại như máy tách bã nguyên liệu sau khi cô đặc, máy trộn để tạo sự đồng nhất cho sản phẩm, máy chiết rót, tem nhãn, tem chống làm giả… được chị quan tâm đầu tư.

Năm 2022, cơ sở sản xuất của chị Hoa đã được Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, các sản phẩm cũng có giấy công bố và được kiểm định chất lượng. Cũng từ đó, chị Hoa bắt đầu sản xuất số lượng lớn và cung cấp ra thị trường. Dù sản phẩm dầu gội Hoa Xứ Lạng mới ra thị trường thời gian chưa lâu, nhưng mỗi tháng chị cũng bán ra thị trường 500 - 600 sản phẩm, thu về lợi nhuận trên 30 triệu đồng/tháng.

Lạng Sơn: Cùng phụ nữ miền núi phát triển thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm - Ảnh 1.

Hợp tác xã nông lâm nghiệp phụ nữ thôn Nà Pái (huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn) được Hội LHPN các cấp hỗ trợ kết nối, quảng bá và phân phối tại nhiều địa phương trên toàn quốc; trên các kênh phân phối hiện đại, sàn thương mại điện tử

Tận dụng tiềm năng, thế mạnh của địa phương là hoa hồi, chị Hoàng Thị Bích Ngọc (huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn) đã mạnh dạn khởi nghiệp với chuỗi nông sản nông nghiệp bền vững giúp các hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo và tiêu thụ sản phẩm giúp bà con nông dân trong thôn. Hiện nay, chị đang xây dựng chuỗi giá trị hoa hồi và các loại dược liệu tán hồi như chè, macca… và chăn nuôi. Những sản phẩm miền núi của Hợp tác xã đang được được phân phối tại nhiều địa phương trên toàn quốc và trên các kênh phân phối hiện đại, sàn thương mại điện tử, giúp tìm kiếm đầu ra cho nông sản của khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và tạo việc làm và thu nhập ổn định cho phụ nữ dân tộc tại địa phương.

Đồng hành, hỗ trợ phụ nữ kết nối cung cầu

Chị Tạ Thị Hoa, chị Hoàng Thị Bích Ngọc cũng như nhiều chị em phụ nữ khác tại tỉnh Lạng Sơn đang được Hội LHPN các cấp hỗ trợ bằng nhiều hoạt động thiết thực hiệu quả, giúp các chị em có điều kiện để khởi nghiệp, làm giàu chính đáng ngay trên quê hương mình.

Bà Vũ Thị Huyền Trang, Phó Chủ tịch thường trực Hội LHPN tỉnh Lạng Sơn cho biết: Thời gian qua, Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã triển khai có hiệu quả phong trào phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: tổ chức diễn đàn, hội thi, ngày phụ nữ khởi nghiệp, biểu dương tôn vinh các điển hình tiên tiến, ý tưởng, dự án khởi nghiệp đạt giải tại các cuộc thi; tuyên truyền trên trang thông tin điện tử, phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội… 

Bên cạnh đó, các cấp hội phụ nữ đã phát huy vai trò cầu nối, khuyến khích, động viên nhằm khơi dậy tinh thần chủ động, sáng tạo của hội viên trong lao động sản xuất, hỗ trợ phụ nữ kết nối cung cầu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng cả nước thông qua các chương trình hội chợ, xúc tiến thương mại…

Lạng Sơn: Cùng phụ nữ miền núi phát triển thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm - Ảnh 2.

Nhiều hội viên phụ nữ dân tộc đã tận dụng tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn - cho biết: Những năm gần đây, các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tỉnh quan tâm, chú trọng. Đối với việc phát triển thị trường sản phẩm, tỉnh Lạng Sơn đã quan tâm đến các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, tìm đối tác để tìm đầu ra cho sản phẩm địa phương. 

Sở Công Thương Lạng Sơn đã triển khai nhiều các biện pháp phát triển thị trường thông qua các chương trình xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương, của tỉnh Lạng Sơn và ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển hợp tác, liên kết sản xuất sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, các chương trình phát triển thương mại điện tử, hỗ trợ quảng bá, trưng bày sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm quốc tế. Qua đó góp phần hình thành chuỗi cung ứng, tiêu thụ cho sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và miền núi.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn