Theo ThS Mai Trung Sơn cho biết, chương trình Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) đến năm 2030 được thực hiện trên phạm vi cả nước, trong đó đối tượng người lao động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế; vị thành niên, thanh niên được chú trọng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dân số, việc chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) và KHHGĐ đối với đối tượng này vẫn còn nhiều lo ngại.
Mặc dù Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc cải thiện hệ thống cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, nhưng hiện vẫn còn những vấn đề cần được tiếp tục quan tâm. Vấn đề KHHGĐ không chỉ để giảm sinh mà còn giúp người dân thực hiện biện pháp tránh thai để tránh mang thai ngoài ý muốn, dự phòng vô sinh, giảm phá thai, giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ em có liên quan đến thai sản, cải thiện sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân - Ths cho hay.
Theo Ths.Bs Mai Trung Sơn, các vấn đề liên quan đến sức khoẻ sinh sản của những người di cư, tự do, khu công nghiệp, khu kinh tế, người vị thành niên, thanh niên là vấn đề rất đáng quan ngại. Lao động ở khu công nghiệp là hết sức khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ, đây là một vấn đề rất lớn. Bên cạnh đó, nhu cầu của người dân cùng với sự phát triển kinh tế xã hội càng ngày càng có điều kiện để chi trả dịch vụ KHHGĐ, vì vậy cần đa dạng hoá các phương tiện tránh thai dịch vụ gia đình. Nhưng hiện nay các biện pháp tránh thai trong nhiều năm qua vẫn chậm đổi mới, chỉ có dụng cụ tử cung, thuốc tiêm, cấy, viên uống và bao cao su. Ngay dụng cụ tử cung thì trên thế giới có rất nhiều loại, Việt Nam chỉ có loại TCu 380A. Thuốc tiêm, thuốc cấy vì các lý do khác nhau không mua được hàng, các tỉnh các địa phương không có hàng để cấp cho người dân có nhu cầu. Đối tượng công nhân khu công nghiệp, khu kinh tế lại càng khó tiếp cận.
"Có thể nói rằng chăm sóc SKSS và KHHGĐ đối với người di cư và người lao động ở khu công nghiệp là điều hết sức quan ngại. Chúng tôi có đi thăm một số khu công nghiệp thì có tình trạng 6h sáng đến làm, trở về 6 - 7h tối, qua chợ cóc mua thức ăn, về nấu ăn, tắm rửa xong cũng 10h tối và hôm sau lại tiếp tục công cuộc như vậy. Tiếp cận thông tin, tiếp nhận dịch vụ, trao đổi thông tin rất khó khăn.
Có những địa phương tổ chức khám miễn phí, cung cấp dịch vụ, thuốc miễn phí nhưng doanh nghiệp không cho tiếp cận vì liên quan đến sản phẩm đầu ra và doanh thu. Những vấn đề liên quan khi trong thời gian làm việc thì tư vấn như thế nào? Cung cấp dịch vụ ra sao cũng là vấn đề cần phải có những mô hình khác nhau, ví dụ như xe bệnh viên lưu động và cần rất nhiều các mô hình khác nhau", bác sĩ Mai Trung Sơn cho biết.
Các lao động nữ ở khu công nghiệp phần lớn phải sống xa nhà, một trong những khó khăn rất lớn mà họ thường gặp phải là đời sống tinh thần thiếu thốn, gần như không tham gia các hoạt động giải trí và không đến các cơ sở chăm sóc sức khỏe trong suốt thời gian dài.
Đối với những người vị thành niên, thanh niên cũng là một vấn đề hết sức thách thức. Tương lai của lứa tuổi này phụ thuộc hoàn toàn vào giai đoạn hoàn thiện và ở từng lứa tuổi khác nhau có nhu cầu sinh lý khác nhau, bên cạnh đó ở các vùng khác nhau lại có cách tiếp cận khách nhau như nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn.
Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải đa dạng hoá các loại hình cung cấp dịch vụ thì trong đó, chú trọng người lao động ở khu công nghiệp, khu kinh tế, vị thành niên, thanh niên thì cần phải mở rộng nhiều mô hình.
"KHHGĐ là phải giúp cho người phụ nữ tránh có thai ngoài ý muốn, giảm phá thai, dự phòng vô sinh, cải thiện sức khoẻ bà mẹ trẻ em, giảm tỉ lệ tử vong bà mẹ trẻ em liên quan đến thai sản. Như vậy KHHGĐ không chỉ cung cấp các biện pháp tránh thai mà còn dự phòng vô sinh, giảm phá thai tại cộng đồng. Hỗ trợ sinh sản mang lại hạnh phúc cho hàng triệu phụ nữ muốn có con mà hiếm muộn. Đâu đó vẫn có các phòng khám sản, phụ khoa bên cạnh các KCN dẫn đến ảnh hưởng sức khoẻ nếu gia tăng tình trạng nạo phá thai chui. Chúng tôi tin rằng các địa phương, các cơ sở y tế từ trung ương đến cơ sở sẽ đồng hành cùng Bộ Y tế để ngày càng lo tốt hơn được việc chăm sóc sức khoẻ cho người phụ nữ nói chung và các phụ nữ ở khu công nghiệp nói riêng, đặc biệt là vị thành niên, thanh niên", bác sĩ Mai Trung Sơn nhấn mạnh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn