Sáng nay (6/1), Trung tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an và đồng chí Hà Thị Nga, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, đồng chủ trì Hội nghị tổng kết 03 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch 01 Trung ương (NQLT 01/TW) về "Quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội" giai đoạn 2017- 2020.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga khẳng định: NQLT 01/TW có vai trò, ý nghĩa đặc biệt, bởi những hoạt động phối hợp giữa công an và phụ nữ xuất phát từ góc độ gia đình, lấy gia đình là thiết chế bền vững nuôi dưỡng, rèn luyện nhân cách con người và bảo vệ các thành viên trước sự tấn công của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội.
Qua 3 năm triển khai (giai đoạn 2017- 2020), NQLT 01 của hai ngành có nhiều đổi mới về công tác chỉ đạo, nội dung, hình thức triển khai; làm chuyển biến nhận thức, thay đổi hành vi của các đối tượng nguy cơ cao, cho đến công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ. Cùng các sự kiện truyền thông, các mô hình phòng chống tội phạm dựa vào gia đình, dựa vào cộng đồng, trong các năm qua cũng xuất hiện nhiều gương cán bộ, chiến sỹ lực lượng công an và cán bộ Hội phụ nữ các cấp sát cánh, phối hợp chặt chẽ trong công cuộc phòng, chống tội phạm và cảm hoá những người lầm lỡ, để gia đình thực sự là mái ấm bình yên, là bến đỗ, chốn đi về của mỗi người.
Trong bối cảnh mới, theo Chủ tịch Hà Thị Nga, hiện nay phát sinh các loại tội phạm mới, phi truyền thống, các loại tội phạm xuyên biên giới, tội phạm công nghệ cao ngày càng đe doạ sự bình yên của mỗi gia đình và cộng đồng. Tội phạm, tệ nạn xã hội liên quan đến phụ nữ, trẻ em như xâm hại tình dục, mua bán người, lừa đảo qua mạng internet, bạo lực gia đình ngày càng tinh vi khiến cho xã hội đặc biệt lo lắng.
Qua đó, Chủ tịch Hà Thị Nga đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về hoạt động phối hợp giữa 2 ngành, trong đó cần quan tâm lựa chọn vấn đề ưu tiên, cách thức phối hợp để triển khai sát thực với tình hình của từng địa bàn, từng cấp. Cụ thể như, khu vực Tây Nam Bộ nhức nhối tội phạm xâm hại trẻ em, kết hôn với người nước ngoài với mục đích không trong sáng. Miền núi phía Bắc là vấn đề làm sao để con em không vi phạm ma tuý, ở các đô thị, thành phố lớn là làm sao để trẻ em tránh xa các trò chơi games, xâm hại tình dục, tệ nạn xã hội…
Những thành công trong hoạt động phối hợp thời gian qua là kết quả của sự nỗ lực, bền bỉ của lãnh đạo hai ngành từ Trung ương đến địa phương đã thường xuyên chỉ đạo sát sao, kịp thời điều chỉnh các nội dung cho phù hợp với thực tiễn diễn biến ngày càng phức tạp và tình trạng trẻ hoá của các loại hình tội phạm như hiện nay.
Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga
Đồng thời nghiên cứu cách thức truyền thông mới để tận dụng được thành quả của quá trình phát triển kinh tế số của đất nước, phát huy sáng tạo, đổi mới cách làm hiệu quả và tiết kiệm, tránh hình thức mà thông tin đúng và đủ. Chú trọng sử dụng truyền thông điện tử để có cách tiếp cận phù hợp với giới trẻ nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội cho phụ nữ trẻ, cho thanh thiếu niên. Tiếp tục nghiên cứu xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội hiệu quả tại cơ sở, dựa vào cộng đồng…
Phát biểu tại Hội nghị, Trung tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an, nhấn mạnh: Việc phối hợp không chỉ dừng ở hoạt động tuyên truyền, giáo dục cán bộ hội viên, thành viên trong các gia đình về ý thức cảnh giác với các loại tội phạm, mà đã được mở rộng hơn về cả nội dung, hình thức, mức độ, đối tượng như thực hiện tiêu chí gia đình không có người vi phạm pháp luật, không bạo lực gia đình và xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch". Đối tượng tác động ban đầu chỉ là con em trong gia đình, sau đã mở rộng hơn tới các đối tượng đặc thù như nữ phạm nhân, phụ nữ vùng dân tộc thiểu số, vùng có đông đồng bào theo tôn giáo…
Theo báo cáo, từ 2018 đến 2020, Cơ quan điều tra các cấp đã tiếp nhận, xử lý 5.286 tin báo, tố giác liên quan đến tội phạm xâm hại trẻ em, mua bán người, người chưa thành niên vi phạm pháp luật và bạo lực gia đình; đã giải quyết 5.070 tin (đạt tỷ lệ 95,91%), trong đó nhiều tin báo, tố giác tội phạm do cán bộ hội viên, phụ nữ cung cấp.
Điều tra, khởi tố 4205 vụ/4069 bị can xâm hại trẻ em; 45 vụ/34 bị can liên quan bạo lực gia đình; 283 vụ/448 bị can phạm tội mua bán người.
Để tiếp tục phối hợp thực hiện có hiệu quả công tác đảm bảo an và công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội có liên quan đến phụ nữ trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh: Công an các địa phương và Hội phụ nữ các cấp căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương, cần cụ thể hóa các chương trình, kế hoạch, trong đó phát huy những ưu điểm, thành tích đã đạt được trong phối hợp thực hiện. Nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế và chỉ ra nguyên nhân, từ đó đề ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Các đơn vị Công an địa phương và cấp Hội phụ nữ xây dựng mối quan hệ hiệp đồng, tương tác, tạo thành chỗ dựa vững chắc, địa chỉ tin cậy của nhau để cùng chia sẻ, đồng hành tích cực.
Đồng thời, lựa chọn những vấn đề ưu tiên, trọng điểm để giải quyết, xử lý kịp thời các vụ việc, nhất là những vấn đề nóng gây bức xúc trong quần chúng nhân dân có liên quan tới phụ nữ, trẻ em như tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em, xâm hại trẻ em, bạo lực gia đình, học đường…
Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay trong triển khai NQLT01, đồng thời đề xuất giải pháp để công tác phối hợp giữa hai ngành trong thời gian tới thêm hiệu quả, thiết thực.
Nhân dịp này, Bộ Công an trao tặng Kỷ niệm chương "Bảo vệ an ninh Tổ quốc" và Hội LHPN Việt Nam trao tặng kỷ niệm chương "Vì sự phát triển của phụ nữ Việt Nam" cho các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an và Hội LHPN Việt Nam; trao tặng Bằng khen cho 20 tập thể và 20 cá nhân của hai ngành có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện NQLT01.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn