Luật sư lưu ý một số điểm khi kết hợp đầu tư với đối tác có yếu tố nước ngoài

13:35 | 02/04/2023;
Thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đã và đang trở thành mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam những năm gần đây. Xu hướng cá nhân và doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài cũng ngày càng phổ biến với các hình thức đa dạng.

Tuy nhiên, để thực hiện hợp tác đầu tư tại Việt Nam đúng quy định pháp luật và hạn chế các rủi ro, các bên hợp tác cũng cần phải lưu ý các vấn đề pháp lý tại Việt Nam. 

PNVN đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Thành Chung, Giám đốc Công ty Luật TNHH An Ninh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), về vấn đề này.

Có những vấn đề nào cần lưu ý khi có kế hoạch kết hợp kinh doanh với người nước ngoài tại Việt Nam?

Đầu tiên về hình thức đầu tư. Nên lựa chọn các hình thức đầu tư đã được pháp luật quy định như Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế. Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp; Đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC), để đảm bảo các điều kiện đầu tư hợp pháp, hưởng các ưu đãi đầu tư và được pháp luật bảo hộ; Về vốn đầu tư, vốn điều lệ, tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế; Phạm vi hoạt động đầu tư; Địa điểm thực hiện dự án đầu tư; Các vần đề về thuế, ưu đãi đầu tư, xuất hóa đơn…

Kết hợp đầu tư với đối tác có yếu tố nước ngoài - Ảnh 1.

Luật sư Đặng Thành Chung 

Ngoài những vấn đề pháp lý rõ ràng đã được quy định trong các văn bản pháp luật điều chỉnh, các bên cũng cần lưu ý kiểm tra các thông tin, hồ sơ khác của đối tác cung cấp như thông tin về hộ chiếu, giấy phép đăng ký kinh doanh, các tài liệu khác mà đối tác cung cấp có hợp pháp tại quốc gia cấp không?

Ngoài ra, có thể xảy ra những rủi ro như thế nào?

Bên cạnh các thuận lợi về môi trường đầu tư Việt Nam hiện nay thì việc đầu tư có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam cũng có nhiều rui ro. Trong đó, các rủi ro khi không tìm hiểu đầy đủ quy định, chính sách pháp luật Việt Nam dẫn đến lựa chọn các hình thức đầu tư, ngành nghề đầu tư, vốn đầu tư, địa điểm thực hiện dự án… không phù hợp. Cũng vì thế mà gặp khó khi thực hiện các thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Điều này khiến tốn kém thời gian và chi phí.

Tiếp đến việc không thẩm định, kiểm tra kỹ các thông tin về đối tác khiến nhiều trường hợp có thể bị đối tác lừa đảo chiếm đoạt tiền đầu tư hoặc dự án đầu tư không thể thực hiện do không đủ năng lực chuyên môn và năng lực tài chính dù đã được cấp phép thậm chí được gia hạn thời hạn thực hiện. Lựa chọn người quản lý, điều hành việc hợp tác đầu tư: nhiều nhà đầu tư nước ngoài thực tế là góp vốn hợp tác với cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam nhưng do muốn thực hiện những ngành nghề có điều kiện hạn chế với nhà đầu tư nước ngoài nên chỉ thực hiện ngầm việc chuyển tiền hợp tác còn hồ sơ, giấy phép đều là bên Việt Nam đại diện, dẫn đến sau này hai bên không có tiếng nói chung, tranh chấp xảy ra, rất khó xác định việc đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài. Tất cả hồ sơ, giấy tờ đều chỉ thể hiện bên Việt Nam đứng tên.

Tuy nhiên, điều này cũng gây rủi ro cho bên Việt Nam vì khi có tình huống xấu xảy ra thì chỉ có bên Việt Nam phải đứng ra chịu trách nhiệm. Còn nhà đầu tư nước ngoài có thể đã "cao chạy xa bay".

Vậy, có biện pháp nào để hạn chế rủi ro

Để hạn chế rủi ro, các bên cần xem xét thực hiện một số biện pháp như: Cần tìm hiểu đầy đủ các quy định pháp luật hiện tại của Việt Nam về lĩnh vực hợp tác đầu tư nước ngoài để xác định và thực hiện các điều kiện đầu tư, ưu đãi đầu tư, thủ tục… phù hợp và đúng quy định pháp luật; Thẩm định, đánh giá thông tin đối tác kỹ càng như kiểm tra tên doanh nghiệp, số điện thoại, các thông tin cơ bản khác và đối chiếu với nhiều nguồn để chứng thực nhà đầu tư có tồn tại hay không. 

Đồng thời, kiểm tra năng lực chuyên môn, năng lực tài chính của đối tác: Họ thành lập năm nào, doanh thu từng năm ra sao, kinh nghiệm chuyên môn cũng các dự án của họ như thế nào? Kiểm tra tài liệu: Giấy phép kinh doanh và các chứng chỉ liên quan có hợp pháp không?

Trong trường hợp không có điều kiện để tìm hiểu thì các bên có thể lựa chọn một công ty tư vấn có kinh nghiệm để thực hiện những yêu cầu của mình.

Và trước khi quyết định việc đầu tư, các bên có thể lập một thỏa thuận về việc hợp tác kinh doanh để xác định rõ ràng quyền và nghĩa vụ của mỗi bên. Các nội dung về thỏa thuận này có thể được đưa vào các văn bản hồ sơ pháp lý của công ty nếu lựa chọn hình thức hợp tác thành lập tổ chức kinh tế, mua cổ phần, vốn góp hoặc quy định đây là văn bản không tách rời với hợp đồng BCC nếu lựa chọn hình thức hợp tác theo hợp đồng BCC.

Đây sẽ một trong các căn cứ giải quyết khi tổ chức kinh tế giải thể, dự án kết thúc, thời hạn hợp đồng hợp tác kết thúc hoặc khi có tranh chấp xảy ra. 

Xin cảm ơn Luật sư về buổi trao đổi này!

Liên hệ: Luật sư Đặng Thành Chung, Giám đốc Công ty Luật TNHH An Ninh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội)

ĐT: 0912630043

Địa chỉ: Phòng 305 tòa nhà số 8 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội

Wesbite: Luatanninh.vn

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn