Mẹ mất việc vì Covid-19, cả nhà phải ăn cháo thay cơm

14:36 | 28/07/2021;
Đã gần 2 tháng nay, chị Hương không thể đi làm, có hôm trong nhà chỉ còn đúng 1 bơ gạo, không đủ nấu cơm, chị đành nấu cháo để cả nhà cùng ăn. Thậm chí, chiếc xe máy để đi làm, chị cũng đã phải bán...

Mua được mớ rau đã hết tiền

Các phường thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội, đã triển khai phát phiếu đi chợ cho người dân sinh sống trên địa bàn. Mỗi tuần, 1 hộ có thể đi chợ 4 lần, luân phiên vào 1 khung giờ nhất định theo ngày chẵn hoặc lẻ. Buổi sáng từ 5h50 đến 6h30; buổi chiều từ 15h30. Mỗi phiếu vào chợ có giá trị sử dụng 1 lần.

Trên phiếu ghi rõ họ tên đại diện hộ gia đình; địa chỉ và có dấu đỏ của UBND phường. Được biết, chợ Nhật Tân thuộc phường Nhật Tân (quận Tây Hồ) là khu chợ dân sinh đầu tiên trên địa bàn Hà Nội áp dụng phát phiếu đi chợ cho người dân.

Đây là chủ trương được đánh giá đúng đắn vào thời điểm hiện tại trong công cuộc phòng chống dịch bệnh chung của Hà Nội. Tuy nhiên, sau nửa ngày triển khai, có một số vấn đề phát sinh khi cấp phát phiếu đi chợ. Trong đó, nhiều ý kiến đến từ bộ phận người lao động, công nhân, sinh viên... đang tạm trú tại phường. Một số người dân ở trọ và làm việc tại địa bàn của phường nhưng không nhận được phiếu. Nguyên nhân của vấn đề trên xuất phát từ việc ở trọ không khai báo tạm trú theo quy định.

Đại diện UBND phường Nhật Tân cho biết đã chỉ đạo các tổ dân phố rà soát lại, nắm lại thật kỹ từ các hộ cho thuê nhà trọ để tránh thiếu sót, ảnh hưởng đến lợi ích của người dân. Phường Nhật Tân sẽ cố gắng nhân rộng đối tượng được nhận tem phiếu, để mỗi phòng trọ trên địa bàn được coi như 1 hộ dân và sẽ được phát phiếu đi chợ như nhau.

Mất việc vì Covid-19, mẹ nghèo bán xe máy để mua thuốc cho con: Cả gia đình phải ăn cháo thay cơm - Ảnh 1.

Cầm thẻ đi chợ trên tay, nhưng chị Hương chẳng biết mua gì vì không có tiền.

Chị Nguyễn Thu Hương (SN 1981, thuê trọ sau chợ Nhật Tân) cho biết, việc chính quyền sử dụng mô hình phát phiếu đi chợ cho người dân là rất cần thiết, chị và những người trên địa bàn rất ủng hộ cách làm này.

"Mấy ngày trước, ra chợ lúc nào cũng đông nghịt người, nhưng từ hôm bắt đầu triển khai dùng phiếu đi chợ thì vắng vẻ hẳn, việc mua sắm cũng rất thuận lợi, không phải chờ đợi lâu. Có thể mọi người cũng ngại ra ngoài nên họ chỉ đi 1 lần mua tích trữ dùng cho cả tuần. Còn tôi đi chợ chỉ còn đúng 20 nghìn đồng, mua được vài mớ rau đã hết tiền", chị Hương tâm sự.

Ăn cháo thay cơm

Chị Hương cho biết, chị là mẹ đơn thân, đã gần 2 tháng nay, chị không thể đi làm vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Chị có 3 người con, thật không may cả 3 cháu đều mắc bệnh máu khó đông, tiền thuốc hàng tháng cho các con lên tới hàng chục triệu đồng.

Trước đây, chị Hương đi rửa bát thuê cho một nhà hàng bên phố cổ, mỗi tháng được 6 triệu đồng. Tối về, chị lại đi chạy Grab (xe ôm công nghệ) để kiếm thêm. Tổng mỗi tháng thu nhập của chị vào khoảng 10 triệu đồng. Nhưng 10 triệu đồng này cũng chỉ đủ tiền thuốc thang cho các con. Vì dịch Covid-19 mà chị bị mất việc.

"Không có việc, đồng nghĩa với không tiền. Đã gần 2 tháng nay gia đình tôi chỉ ăn cơm trắng với rau. Có hôm trong nhà hết sạch tiền, gạo chỉ còn đúng 1 bơ, không đủ nấu cơm, tôi đành nấu cháo, cả nhà cùng ăn", chị Hương kể.

Chị Hương là người gốc làng Nhật Tân, nhiều năm về trước đã phải bán đất, bán nhà để chạy chữa cho 3 người con mắc bệnh. Thế nhưng bệnh tình các con chẳng hề thuyên giảm, càng lớn càng nặng thêm.

Mất việc vì Covid-19, mẹ nghèo bán xe máy để mua thuốc cho con: Cả gia đình phải ăn cháo thay cơm - Ảnh 2.

3 đứa con của chị Hương đều mắc bệnh máu khó đông.

"Sau khi bán nhà, bố mẹ đẻ tôi và các con tôi ra phía sau chợ Nhật Tân thuê nhà ở. Bây giờ cả nhà chỉ trông chờ vào đồng lương đi làm giúp việc của mẹ tôi. Còn bố tôi trước đây đi làm bốc vác ở chợ Nhật Tân nhưng vài năm nay sức khỏe ông yếu đi nhiều, không thể làm được nữa. Hàng ngày ông ở nhà trông cháu", chị Hương nói.

Chị Hương chia sẻ, cuộc sống gia đình chị bây giờ thật sự rất khốn khó, tiền ăn cũng còn đang phải đi vay mượn, tiền nhà trọ đã 2 tháng chưa đóng. Dịch bệnh thế này nhưng chủ nhà liên tục sang đòi tiền, họ còn gia hạn, nếu đến 5/8 tới mà không nộp đủ tiền thì dọn đi nơi khác mà ở.

"Tuần trước, tôi xem trên mạng biết được ở phố Hàng Trống có người phát gạo miễn phí cho những hoàn cảnh khó khăn, tôi vội vàng phi tới nhưng đến nơi thì đã thấy xe ô tô của công an đọc loa thông báo, chủ nhà không được phát gạo nữa, vì không đảm bảo phòng, chống dịch. Tôi lại đành quay về nhà", chị Hương ngậm ngùi.

Mong dịch bệnh sớm qua đi

Chị Hương bây giờ chỉ mong muốn một điều là dịch bệnh sớm qua đi, để chị có thể quay lại công việc của mình. Tài sản lớn nhất của gia đình là chiếc xe máy, chị cũng đã phải bán để mua thức ăn nuôi cả gia đình những ngày qua.

"Chiếc xe đó tôi bán được 4 triệu đồng, trong đó một phần để mua thuốc giảm đau cho các con. Một phần để tiết kiệm mua thức ăn nhưng nay cũng đã ăn hết. Trong nhà hiện tại không còn một đồng nào. Mẹ tôi đi làm giúp việc bây giờ cũng đủ để trả nợ cho chủ. Vì đã ứng của họ hơn 10 triệu rồi", chị Hương nghẹn ngào.

Mất việc vì Covid-19, cả nhà phải ăn cháo thay cơm - Ảnh 3.

Chị Hương chia sẻ về hoàn cảnh của mình

Bao năm vật lộn, trải qua nhiều sóng gió nhưng chưa khi nào gia đình chị Hương cảm thấy bất lực như thời gian này. Covid-19 khiến cả gia đình từ sáng đến tối chỉ ngồi nhìn nhau trong căn nhà trọ rộng hơn chục mét vuông. Nhiều lúc nhìn con vật lộn với cơn đau, nước mắt người mẹ lại nhạt nhòa, chị cũng đau đớn lắm nhưng chẳng biết làm gì hơn.

Những người sinh sống ở xóm trọ phía sau chợ Nhật Tân, ai cũng bảo rằng, chị Hương là người phụ nữ phải chịu quá nhiều khổ đau: Trải qua 2 lần đò, sinh được 3 người con thì cả 3 mắc bệnh khó chữa. Đang có nhà, thì phải bán để chữa bệnh cho các con. Giờ đây gia đình chị Hương có nguy cơ đối diện với cảnh không nơi nương tựa nếu không đóng tiền nhà trọ đúng hẹn.

Mọi sự giúp đỡ hảo tâm xin gửi về: Chị Nguyễn Thu Hương, SĐT: 0966.544469; Địa chỉ: Ngách 406/63, tổ 25, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội. Số tài khoản: 0011001724144 Ngân hàng Vietcombank - chủ tài khoản Nguyễn Thu Hương - Chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn