Mở đường cho sản phẩm miền núi, vùng xa và hải đảo vào hệ thống phân phối hiện đại

10:17 | 04/12/2023;
Bộ Công Thương đã có những chính sách thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa đặc sản địa phương nói chung và sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng vào các kênh phân phối hiện đại trong và ngoài nước. Ông Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương - Bộ Công thương cho biết.

Những năm gần đây, việc thực hiện các Chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đem lại những kết quả tích cực cho kinh tế và thương mại hàng hóa trên các địa bàn, thúc đẩy hoạt động sản xuất và thu mua, hình thành được những chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm hiện đại, bền vững. Nhiều sản phẩm của đồng bào dân tộc miền núi đã mở được đường vào hệ thống phân phối có uy tín trên cả nước và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Triển khai chương trình "Hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi", Bộ Công thương tổ chức hoạt động nhằm hình thành chuỗi cung ứng, kích thích sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế đầu tư, thúc đẩy sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Các hoạt động đã thu hút sự vào cuộc, chung tay của các hệ thống phân phối lớn như Saigon Co.op; Central Retail, Winmart, MM Market Aeon, BRG, … tham gia kết nối tiêu thụ. Các hệ thống này đã tổ chức ưu tiên trưng bày và có các sự kiện kích cầu riêng cho sản phẩm đặc sản địa phương nói chung và sản phẩm của đồng bào vùng dân tộc thiểu số nói riêng, tạo hiệu quả rõ rệt. 

Mở đường cho sản phẩm miền núi, vùng xa và hải đảo vào hệ thống phân phối hiện đại- Ảnh 1.

Các đại biểu chia sẻ tại tọa đàm “Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào hệ thống phân phối hiện đại”

Việc các tỉnh tổ chức các hoạt động đưa sản phẩm đặc sản của bà con vào tiêu thụ tại các hệ thống phân phối đã giải quyết được nhu cầu từ cả hai phía. Doanh nghiệp được đáp ứng nhu cầu về nguồn nguyên liệu đầu vào có chất lượng thường xuyên và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong khi đó, các hợp tác xã và bà con của các địa phương cơ hội đưa các sản phẩm tởi đông đảo người tiêu dùng.

Từ những hoạt động này đã tạo ra những nền tảng căn bản cho phát triển thương mại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, thực tế tỷ lệ và tần suất xuất hiện các sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong hệ thống phân phối còn chưa cao. Điều này đòi hỏi các địa phương, doanh nghiệp cần có những giải pháp đồng bộ hơn nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, có thể tham gia bền vững vào các hệ thống phân phối trong và ngoài nước. 

Mở đường cho sản phẩm miền núi, vùng xa và hải đảo vào hệ thống phân phối hiện đại- Ảnh 2.

Nhiều sản phẩm của đồng bào dân tộc miền núi đã mở được đường vào hệ thống phân phối có uy tín trên cả nước và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa đặc sản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Thông tin về những chính sách thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa đặc sản địa phương nói chung và sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng vào các kênh phân phối hiện đại, ông Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương - Bộ Công thương cho biết: Trong khoảng 10 năm trở lại đây, các quyết định của Chính phủ như Quyết định 1719 về Chương trình phát triển thương mại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình phát triển miền núi vùng sâu vùng xa và hải đảo, cũng như các Chương trình về xúc tiến thương mại quốc gia, các chương trình về khuyến công quốc gia, các Chương trình về thương hiệu quốc gia... đã được triển khai thực hiện.

Các chương trình này đã hỗ trợ rất nhiều cho các mặt hàng đặc trưng, đặc sản, các mặt hàng có tiềm năng, lợi thế của khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có thể tiếp cận được với hệ thống phân phối hiện đại, các trung tâm kinh tế thương mại cả nước.

Mở đường cho sản phẩm miền núi, vùng xa và hải đảo vào hệ thống phân phối hiện đại- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương - Bộ Công thương chia sẻ về những chính sách thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Rất nhiều mặt hàng, các doanh nghiệp, các tỉnh đã có hàng đặc trưng, đặc sản thâm nhập được vào hệ thống phân phối lớn, đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng như mẫu mã, quy cách đóng gói, các yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của xã hội cũng như thị trường tiêu dùng tại khu vực hiện đại. Những chính sách này đã thúc đẩy phát triển những mặt hàng đặc trưng, đặc sản, những mặt hàng riêng biệt của khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong hệ thống phân phối của thị trường nội địa.

Từ đó mang lại lợi ích về giá trị gia tăng, thúc đẩy chính các thương nhân của khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cung ứng sản xuất theo chuỗi, đáp ứng được yêu cầu của các nhà phân phối hiện đại với những tiêu chí, tiêu chuẩn cao, đặc biệt là những vấn đề về quy cách, mẫu mã, chất lượng, an toàn thực phẩm. 

Bên cạnh đó, dịch vụ kết nối giữa khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với các hệ thống phân phối đã được đáp ứng và phát triển rất mạnh từ giao nhận, vận chuyển, logistics cho đến dịch vụ gia công, bao bì đóng gói và tất cả các dịch vụ có liên quan. Đồng thời, các dịch vụ thanh toán, tiền tệ… cũng phát triển, giúp kết nối thị trường khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với các thị trường có sức tiêu thụ lớn của các trung tâm kinh tế thương mại, các tỉnh, thành trên cả nước.

Mở đường cho sản phẩm miền núi, vùng xa và hải đảo vào hệ thống phân phối hiện đại- Ảnh 4.

Thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và đời sống của bà con

"Trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia, các hoạt động hỗ trợ bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển sản phẩm mang đậm đặc trưng vùng miền. Đồng thời, hoàn thiện chính sách; giải quyết các vấn đề về kho bãi, logistics; phát triển các kênh thương mại điện tử, triển khai các hạ tầng thương mại, đặc biệt là chợ đầu mối; tăng cường công tác truyền thông và quảng bá sản phẩm cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi" - ông Nguyễn Nguyễn Văn Hội chia sẻ thêm.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn