Ở thôn Bá Đại, xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương mô hình Vườn – Ao – Chuồng của hộ gia đình chị Vũ Thị Thụ được nhiều người biết đến. Từ những tài nguyên quen thuộc của làng quê, chị Thụ đã nuôi trồng thủy hải sản gắn với bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế, mang lại cuộc sống ổn định cho bản thân và gia đình.
Cùng với chị Thu, chị Nguyễn Thị Hương cũng là một điển hình phụ nữ tiểu biểu tại xã. Các con chị đều chăm ngoan học giỏi, chồng chị làm thầu xây dựng, chị đi phụ, ngoài ra gia đình chị còn 6 sào ao cá, lợn nái, lợn thịt, thu nhập bình quân của gia đình trừ chi phí là 100 - 120 triệu đồng/năm.
Các chị là những thành viên tham gia mô hình "Phụ nữ rèn luyện 4 phẩm chất" của Hội LHPN xã. Thông qua mô hình này, chị em được trang bị thêm kiến thức, kỹ năng của người phụ nữ hiện đại, từ đó thay đổi được hành vi, cách nghĩ, cách làm, khắc phục khó khăn, sáng tạo, vươn lên trong lao động sản xuất và trong xây dựng cuộc sống gia đình.
Chị Lê Thị Hằng, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương đã chia sẻ về những "bí quyết" của các cấp Hội tại địa phương để mô hình giúp phụ nữ rèn luyện 4 phẩm chất có sức lan tỏa, hoạt động đi vào chiều sâu và hiệu quả.
- Xin chị chia sẻ động lực nào để các cấp Hội phụ nữ triển khai mô hình giúp phụ nữ rèn luyện 4 phẩm chất tại xã Yết Kiêu?
"Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang" là phẩm chất đạo đức truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc hỗ trợ phụ nữ rèn luyện những phẩm chất đó, năm 2013, Hội LHPN xã Yết Kiêu - xã đầu tiên trong huyện Gia Lộc xây dựng mô hình rèn luyện 4 phẩm chất "Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang" tại thôn Bá Đại, có 32 thành viên tham gia. Đến năm 2019, Hội LHPN xã tiếp tục xây dựng mô hình "Tổ phụ nữ đảm đang" có 12 thành viên tại chi Hội phụ nữ thôn Trịnh Thanh Vân.
Để 2 mô hình mô hình có sức lan tỏa, hoạt động đi vào chiều sâu, hàng năm, Hội LHPN xã chỉ đạo chi Hội phụ nữ thôn Bá Đại và thôn Trịnh Thanh Vân thường xuyên duy trì hoạt động và thực hiện theo đúng quy chế của mô hình đề ra, định kỳ mỗi quý sinh hoạt 1 lần với nhiều chủ đề khác nhau, đa dạng, phong phú... Các chủ đề mỗi kỳ sinh hoạt đều được Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ bố trí linh hoạt như: Giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, truyền thông về phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, tuyền truyền kiến thức về nuôi dạy con, kiến thức về phát triển kinh tế; thực hiện cuộc vân động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", phòng chống tệ nạn xã hội… Đồng thời cũng phân công chị em sưu tầm những câu chuyện, những tấm gương có thực tại địa phương, xây dựng thành kịch bản đóng các vai diễn thành tiểu phẩm để tăng tính hấp dẫn của buổi sinh hoạt.
Qua đó chị em được trang bị thêm kiến thức, kỹ năng của người phụ nữ hiện đại, từ đó thay đổi được hành vi, cách nghĩ, cách làm, những tấm gương tiêu biểu trong cuộc sống ngày một nhiều hơn đã góp phần động viên các tầng lớp phụ nữ vươn lên, tôn vinh cái đúng, tốt đẹp, ngăn chặn các hành vi sai trái, tiêu cực, trong sản xuất nông nghiệp chị em đã khắc phục khó khăn, cần cù, tự tin, sáng tạo, đảm đang trong lao động sản xuất và trong xây dựng cuộc sống gia.
- Cuộc sống của các thành viên tham gia mô hình đã có sự thay đổi ra sao, thưa chị?
Với thành viên là hội viên, phụ nữ nông dân, các chị đã đăng ký thực hiện và tuyên truyền tới các hộ gia đình trong thôn trồng rau an toàn, cung cấp một phần đáng kể rau sạch cho người dân trong xã, cũng như các xã lân cận; cùng tương trợ nhau trong lao động, sản xuất, sinh hoạt thường ngày thông qua các hình thức "Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ", "Tiết kiệm vì phụ nữ nghèo", "Tiết kiệm theo Bác"... Qua đó, huy động được trên 500 triệu đồng giúp hộ nghèo do phụ nữ làm chủ, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vay vốn phát triển sản xuất. Thành viên mô hình còn tham gia mô hình phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường như mô hình "Nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ môi trường" tại thôn Bá Đại, với tổng diện tích 8,44 ha, có 35 hộ tham gia, hàng năm thu nhập bình quân từ 150 đến 180 triệu/ha.
Với thành viên là nữ công nhân làm việc tại các doanh nghiệp việc học tập và rèn luyện phẩm chất "Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang" được nữ công nhân cụ thể hóa ở trách nhiệm với công việc, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động. Nhiều nữ công nhân đã tự tin, đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ từ khâu vận hành máy móc đến đóng gói.
Đối với thành viên là cán bộ Hội, không chỉ nỗ lực học tập nâng cao trình độ, trau dồi kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành tốt công việc được giao, các chị đã thể hiện sự "Tự tin" trong công việc, "Tự trọng" trong lối sống, khẳng định năng lực, uy tín với tổ chức Hội.
- Được biết, không chỉ tập trung nâng nâng cao nhận thức, kỹ năng, Hội LHPN xã còn tổ chức nhiều hoạt động phối hợp để giúp các thành viên sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Chị có thể giới thiệu rõ hơn về thông tin này?
Để giúp mô hình hoạt động có hiệu quả hội LHPN xã đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em; các lớp bồi dưỡng kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, phòng chống bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội… , thu hút trên 400 lượt cán bộ hội và thành viên mô hình tham gia dự học.
Hội LHPN xã cũng tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Gia Lộc cho 12 chị trong mô hình vay 1,1 tỷ đồng để đầu tư chăn nuôi sản xuất và kinh doanh dịch vụ phát triển kinh tế gia đình.
Đặc biệt để duy trì mô hình hoạt động ngày càng bền vững, Ban quản lý mô hình đã vận động các thành viên cấy ruộng bỏ hoang và đóng góp ngày công để xây dựng quỹ, đến nay 2 mô hình có tổng số quỹ là 33,4 triệu đồng để tổ chức các sinh hoạt định kỳ, việc hiếu hỷ, thăm quan du lịch… Vào ngày 17/10 hàng năm mô hình tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, để chị em trong mô hình gặp gỡ giao lưu, chia sẻ, nhìn lại quá trình hoạt động và thảo luận các giải pháp trong năm tới.
- Có thể nói, đến nay, mô hình giúp phụ nữ rèn luyện 4 phẩm chất tại địa phương đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Vậy theo chị, những yếu tố nào quyết định sự hiệu quả của mô hình này?
Khi triển khai, chúng tôi có thuận lợi là thành viên mô hình gắn với mô hình phát triển kinh tế tại địa phương cho nên các thành viên gắn kết hơn với mô hình. Thành viên tham gia mô hình có cơ hội được tham gia các hoạt động của mô hình cũng như các hoạt động xã hội và được trang bị kiến thức trên mọi lĩnh vực. Nhận thức nâng lên, kinh tế phát triển, đời sống hội viên ổn định và nâng lên rõ rệt, từ đó góp phần tích cực vào kết quả công tác hội và phong trào Phụ nữ của xã.
Tuy nhiên, mô hình cũng gặp một số khó khăn như: kinh phí cho hoạt động của mô hình còn hạn chế, chủ yếu do hội viên tham gia mô hình đóng góp hoặc lao động để gây quỹ; nguồn vốn lãi suất thấp cho các thành viên mô hình vay phát triển kinh tế còn có hạn…
Một trong những yếu tố quyết định đến hiệu quả mô hình chính là sự nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm cùng với khả năng vận động, thuyết phục và sự gương mẫu của tập thể Ban chủ nhiệm mô hình. Để mô hình hoạt động thực sự hiệu quả sau mỗi kỳ sinh hoạt, thành viên Ban chủ nhiệm cùng ngồi lại rút kinh nghiệm, tham khảo ý kiến, nguyện vọng của các thành viên và phân công chuẩn bị nội dung cho kỳ sinh hoạt tới, phát hiện những tấm gương phụ nữ tiêu biểu mời dự sinh hoạt mô hình để cùng chia sẻ kiến thức về xây dựng gia đình, kỹ năng sống, về phát triển kinh tế giúp thích ứng với hoàn cảnh, nỗ lực vươn lên, mạnh dạn bày tỏ chính kiến; những băn khoăn, lo lắng trước những vấn đề xã hội bức xúc qua các buổi sinh hoạt câu lạc bộ cũng được giải tỏa kịp thời.
- Xin chị chia sẻ một bí quyết để tuyên truyền vận động, thu hút phụ nữ địa phương tham gia mô hình?
Để mô hình hoạt động hiệu quả, thu hút được chị em tham gia, trước hết cần có Ban quản lý mô hình nhiệt tình và chủ nhiệm mô hình gắn với đồng chí cán bộ Hội. Thứ hai, các nội dung sinh hoạt của mô hình sát với thực tế, các nội dung tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa giúp chị em nghe không nhàm chán, dễ hiểu. Các thành viên mô hình đều được luân phiên làm diễn viên đóng các tiểu phẩm, giúp chị em tự tin diễn và truyền đạt trước đông người.
Bên cạnh đó, Ban quản lý mô hình cần thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các thành viên để từ đó biết được nhu cầu của chị em có các hoạt động hỗ trợ phù hợp, từ đó giúp thành viên gắn kết với mô hình hơn.
Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn