Những năm qua tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại vẫn diễn biến hết sức khó lường và thủ đoạn của các đối tượng thì ngày càng trở nên tinh vi hơn. Dù đã được quyết liệt đấu tranh ngăn chặn nhưng sự phát triển nhanh chóng của hoạt động thương mại điện tử lại vô hình chung bị lợi dụng để các đối tượng này thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật phức tạp hơn.
Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương nhận định: Mặt trận chống hàng giả tiếp tục diễn ra dai dẳng, đặc biệt giai đoạn trong và sau dịch Covid-19. Đặc biệt, đến năm 2022, khi dịch Covid bắt đầu giảm đi, thì tốc độ cũng như quy mô và tính phức tạp của hàng giả, ngày càng tinh vi hơn.
Ông Trần Hữu Linh ví dụ: Nếu như trước đây, hàng giả thường tập trung ở các mặt hàng như mỹ phẩm, đồ gia dụng... nhưng bây giờ, hàng giả, hàng kém chất lượng xuất hiện ở những mặt hàng khác nhau, ví dụ như xăng dầu, vật tư nông nghiệp, phân bón, vật tư y tế.... Trong 6 tháng đầu năm thì lực lượng lý thị trường đã kiểm tra và phát hiện ra rất nhiều vụ việc có dấu hiệu giả mạo hoàn toàn các thương hiệu nổi tiếng.
Tốc độ cũng như quy mô của hàng giả ngày càng gia tăng và môi trường để cho hàng giả đưa vào lưu thông ngày càng trở nên dễ dàng hơn. Trên các mô hình kinh doanh online, sàn giao dịch thương mại điện tử, hàng giả thậm chí còn được vận chuyển một cách tương đối công khai. Đặc biệt là việc mua bán, trao đổi, các kênh giới thiệu quảng bá sản phẩm trong thương mại điện tử cũng góp phần làm cho hàng giả được lưu thông dễ dàng hơn.
Một nguyên nhân nữa thúc đẩy hàng hóa được làm giả ngay tại trong nước, là cho đến thời điểm này, ở phía biên giới với Trung Quốc vẫn đang là cấm biên, cho nên hàng hóa không đi qua được những kênh truyền thống ngày xưa như là đường mòn, lối mở nữa mà phải đi chính ngạch. Việc nhập lậu hàng hóa vào trong nước khó khăn hơn, nên ngay trong nội địa đã xuất hiện những đối tượng ở các làng nghề tiếp tục sản xuất hàng giả, trong đó tập trung chủ yếu vào đồ thực phẩm.
Bên cạnh đó, sau gần hai năm dịch bệnh Covid, khi thị trường mở cửa trở lại, những hàng hóa còn tồn, hàng hóa sắp hết hạn sử dụng được những đối tượng gian lận thương mại, tẩy xóa, sửa chữa...
Sự phát triển bùng nổ của hàng giả, hàng kém chất lượng cộng với sự thỏa hiệp của một bộ phận người tiêu dùng trong việc biết là giả nhưng vẫn mua… dẫn đến tình hình tệ nạn hàng giả vẫn tiếp tục gia tăng và dai dẳng.
Cũng đồng quan điểm này, ông Nguyễn Hữu Tuấn - Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương phân tích: Về phía người tiêu dùng, đôi khi người tiêu dùng biết là hàng giả, hàng nhái nhưng vẫn chuộng thương hiệu đó và vẫn muốn sử dụng vì giá rẻ, vô tình đã tiếp tay hàng giả phát triển. Hoặc là khi mua trực tuyến, người tiêu dùng cũng không xem những đánh giá của những người tiêu dùng trước cũng như mức độ uy tín của doanh nghiệp trên thị trường. Đó là lý do người tiêu dùng có thể mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Phạm Quốc Lộc - Thành viên Ban lãnh đạo Công ty TNHH URC Việt Nam, Giám Đốc Nhà máy URC Hà Nội bày tỏ, có một thực tế là trên thị trường, những mặt hàng càng có thương hiệu nổi tiếng, người tiêu dùng càng biết đến nhiều thì càng bị hướng đến để làm giả, làm nhái và phân phối rộng rãi. Việc khách hàng mua phải hàng giả, hàng nhái không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của họ khách hàng mà doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng về thương hiệu và uy tín. Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, bên cạnh việc chú trọng vào chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, URC cũng không ngừng đầu tư về kỹ thuật và nghiên cứu công nghệ và thực hiện những chiến dịch truyền thông để người tiêu dùng phân biệt được những nhãn hàng chính hãng.
Về vấn đề bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng, Tiến sĩ Bùi Kim Hiếu - Trưởng khoa luật Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học Thành phố Hồ Chí Minh; Trưởng Ban Luật Dân Sự, Viện Nghiên cứu Pháp luật Bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng cho biết: Dưới góc độ luật pháp, khung pháp lý đã được điều chỉnh khá rõ để bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp cũng như cho người tiêu dùng trong trường hợp bị vi phạm. Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và pháp luật dân sự cũng cho phép là các chủ thể khởi kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Vấn đề là chúng ta phải chứng minh được thiệt hại xảy ra như thế nào trong trường hợp đó.
Để bảo vệ quyền lợi của mình, các doanh nghiệp phải xác lập quyền sở hữu của mình đối với nhãn hiệu hoặc là đối với kiểu dáng thông qua đăng ký bảo hộ dưới góc độ của Luật sở hữu trí tuệ và bảo hộ nhãn hiệu; bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, bảo hộ sáng chế và xác lập quyền tác giả; đăng ký bảo hộ trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam hoặc trong phạm vi vùng hoặc lãnh thổ nào đó.
Bản thân các doanh nghiệp cũng phải tự hoàn thiện các chính sách, đặc biệt là những chính sách liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có những cam kết đối với người tiêu dùng và thực hiện đúng các cam kết, bởi vì trong xu thế hiện nay, người tiêu dùng có nhiều cơ hội để lựa chọn.
Tại tọa đàm "Nhận diện và giải pháp ngăn chặn buôn lậu, hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại", các đại biểu cũng có nhiều chia sẻ hữu ích nhằm nhận diện và ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất - kinh doanh hàng giả, hàng nhái trong tình hình mới; trao đổi các giải pháp bảo vệ thương hiệu, sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính một cách thực chất, hiệu quả hơn.
Theo số liệu từ lực lượng quản lý thị trường, trong 6 tháng đầu năm 2022, có hơn 30.000 vụ việc vi phạm đã được các lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, xử lý; hơn 17.300 vụ vi phạm; phạt vi phạm hành chính trên 113 tỷ đồng, chuyển cơ quan điều tra 54 vụ việc.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn