Mới đây, hàng trăm phụ huynh đang có con đang học lớp 12 trường THPT Đặng Thai Mai (xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã phải viết đơn "cầu cứu" các cơ quan chức năng khi họ bất ngờ được biết học bạ của con mình chưa được ký duyệt để hoàn thành thủ tục thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ bằng học bạ.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên hết sức hi hữu, trường... không có hiệu trưởng cũng chẳng hiệu phó. Thầy hiệu trưởng Lê Quốc Trường đã hết nhiệm kỳ và hết tuổi làm việc theo quy định nên đã nghỉ việc từ ngày 20/1/2022. Vì nhiều lý do, trường bị "trống" hiệu trưởng từ đó đến nay.
Ngày 14/6, vì quá bức xúc, phụ huynh đã kéo đến trường để đối thoại và yêu cầu nhà trường làm rõ. Buổi đối thoại chỉ có 2 thành viên góp vốn là ông Đàm Khắc Minh và ông Đàm Khắc Sỹ tham gia. "Chúng tôi đề nghị nhà trường phải giải quyết sớm nhất cho con chúng tôi để các cháu kịp đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ. Tương lai của con em chúng tôi là quan trọng nhất, không gì có thể đền bù được", một phụ huynh bức xúc.
Rất may, chiều ngày 14/6, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội đã triệu tập cuộc họp khẩn gồm Ban giám đốc, lãnh đạo các phòng ban của Sở và thành viên hội đồng góp vốn của trường và đã đưa ra giải pháp sẽ kéo dài nhiệm kỳ của hiệu trưởng cũ đến 30/8/2022 để giải quyết các phần việc còn dang dở của nhà trường liên quan đến học sinh, trong đó có công tác hoàn thiện hồ sơ.
Vấn đề của 104 em học sinh khối 12 tạm thời đã được giải quyết ổn thỏa. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong "vô số" những vấn đề đang tồn tại ở trường THPT Đặng Thai Mai khiến ngôi trường này đứng trước nguy cơ sẽ phải giải thể.
Ông Đàm Khắc Sỹ - một trong 4 thành viên góp vốn khẳng định: "Đến 99,99% trường sẽ phải giải thể". Lý do được ông Sỹ đưa ra là "không có học sinh, lấy gì mà dạy bây giờ".
Theo đó, trường Đặng Thai Mai hiện chỉ có 2 khối lớp 11 và 12. Sở dĩ, trường bị khuyết khối 10 do năm học 2021-2022 Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng trường "không đủ điều kiện tuyển sinh". Cụ thể, do nội bộ giữa các cổ đông góp vốn chưa thống nhất trong việc điều hành. Lý do thứ 2 là trang thiết bị hiện có của trường chưa đáp ứng được theo quy định hiện hành.
Ngay sau đó, ông Sỹ, ông Minh và một thành viên góp vốn khác là ông Lê Khắc Hải đã cố gắng khắc phục bằng việc đầu tư trang thiết bị, sửa sang lại trường thế nhưng, những cố gắng với hi vọng sẽ được tuyển sinh lại lớp 10 đã tan thành mây khói khi vấn đề lớn nhất gần như không thể giải quyết đó là "nội bộ chưa thống nhất" giữa các thành viên góp vốn. Trường cũng không có Ban giám hiệu...
"Trường hiện có 104 học sinh khối 12 và 89 học sinh khối 11. Các em học sinh khối 12 hàng ngày vẫn ôn thi tại trường nhưng học sinh khối 11 đang nghỉ hè. Chỉ còn ít ngày nữa các em khối 12 sẽ ra trường nhưng điều trăn trở của chúng tôi là 89 học sinh khối 11. Trường không thể hoạt động được nữa, các em chưa biết đi đâu về đâu", ông Sỹ cho biết.
"Con vẫn đang trong thời gian nghỉ hè nhưng hiện bố mẹ đang tìm trường khác để cho con. Bản thân con cũng cảm thấy hoang mang, lo lắng và quyết định sẽ chuyển trường sớm để ổn định việc học tập vì sang năm cuối cấp rồi", một học sinh khối 11 của trường Đăng Thai Mai chia sẻ.
Không chỉ học sinh, 27 giáo viên nhà trường cũng như đang ngồi trên lửa khi chưa biết "số phận" trường THPT Đặng Thai Mai sẽ đi về đâu. Chia sẻ với PV PNVN, ông Minh không giấu được nỗi buồn. "Những ngày qua tôi mất ăn mất ngủ khi nghĩ về ngôi trường. Được xây dựng từ năm 2004, hoạt động từ 2005 và đã có hơn 3 nghìn học sinh tốt nghiệp ra trường.
17 năm với bao tâm huyết giờ trường đứng trước nguy cơ đóng cửa tôi buồn lắm. Đó là tâm huyết, là công sức nhưng giờ ra nông nỗi này. Nếu trường giải thể, học sinh quanh khu vực này sẽ rất thiệt thòi khi phải đi học xa, nhiều em ở xã Bắc Sơn sẽ phải đi học xa hơn 20km. Chúng tôi sẽ chờ sự chỉ đạo từ Sở GD&ĐT Hà Nội nhưng nguy cơ trường đóng cửa đang hiện hữu trước mắt", ông Minh buồn bã.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn