Hiện nay trên thế giới có 3 quốc gia hợp thức hóa hôn nhân đa thê: Nam Phi, Tajikistan và Iran. Trong đó, Nam Phi là một trong những quốc gia có hiến pháp tự do nhất thế giới vì vừa cho phép hôn nhân đồng giới đối với tất cả mọi người và cho phép đàn ông được lấy nhiều vợ.
Gần đây, chính phủ Nam Phi đã đề xuất hợp thức hóa cả chế độ đa phu, cho phép phụ nữ nước này được lấy nhiều chồng và cùng sinh sống trong một gia đình. Tuyn nhiên, đề xuất này đã vấp phải làn sóng phản đối mãnh liệt từ tầng lớp bảo thủ vì lý do "khó kiểm soát phụ nữ".
Giáo sư Collis Machoko (Nam Phi), một học giả nổi tiếng về vấn đề đa phu, cho biết: "Xã hội Nam Phi chưa sẵn sàng cho câu chuyện bình đẳng trong chế độ kết hôn này. Chúng tôi không biết làm gì đối với những phụ nữ không thể kiểm soát".
Musa Mseleku, một doanh nhân kiêm nhân vật truyền hình tại Nam Phi và cũng là một người phản đối đề xuất đa phu cho biết, điều này có thể sẽ phá hủy nền văn hóa châu Phi. "Làm thế nào để xác định được đứa con sinh ra là của ông chồng nào nếu cho phép đa phu. Hơn nữa, khi cho phép lấy nhiều chồng, phụ nữ sẽ phải trả laboha (phí cô dâu) cho những ông chồng mà mình muốn lấy. Trong khi phụ nữ bây giờ chưa thể đảm nhận vai trò của đàn ông trong xã hội".
Giáo sư Machoko đã tiến hành một nghiên cứu đối với 20 phụ nữ và 45 đàn ông đã tiến hành đa phu trong hôn nhân. Những cuộc hôn nhân này thường diễn ra trong bí mật và không được pháp luật công nhận.
Trong chế độ đa phu, phụ nữ thường là người bắt đầu mối quan hệ và sau đó sẽ mời những người chồng cùng tham gia vào. Một số người chồng sẽ đòi laboha (phí cô dâu), nhưng một số khác sẽ chọn trở thành chồng của người phụ nữ như một điều cần thiết và đóng góp vào mối quan hệ của mình.
Ngoài ra, người phụ nữ có quyền "loại bỏ" một người đàn ông ra khỏi mối quan hệ vợ chồng nếu cảm thấy người này làm ảnh hưởng đến những người khác. Giáo sư Machoko cũng cho biết thêm, khi được phỏng vấn, những người đàn ông trả lời rằng tình yêu đích thực là yếu tố cốt lõi khiến họ đồng ý mối quan hệ đa phu: Họ không muốn mất người phụ nữ mình yêu.
Ngoài ra, một số đàn ông khác cũng đề cập không thể thỏa mãn tình dục cho người vợ là một nguyên nhân khác khiến họ chấp nhận việc vợ mình lấy thêm chồng. Hơn nữa, vô sinh ở nam giới cũng là một nguyên nhân mà đàn ông đồng ý đa phu. Họ không muốn bị mất mặt vì không thể có con.
Nhiều người phản đối đề xuất hợp thức hóa đa phu ở Nam Phi
Quay trở lại với những ý kiến trái chiều phản đối đa phu ở Nam Phi, các tầng lớp bảo thủ bám vào 2 lý do: khó khăn trong xác định cha cho những đứa con được sinh ra và không thể xem phụ nữ là trụ cột gia đình như đàn ông.
Một số người phản đối cho rằng cần phải thực hiện nhiều xét nghiệm ADN để xác định xem đứa con được sinh ra là của người chồng nào. Trong khi đó, ở chế độ đa thê, mỗi đứa trẻ sinh ra đều là con của người đàn ông trụ cột của gia đình.
Bàn về vấn đề này, nhiều ý kiến tranh cãi đã cho rằng không cần thiết phải xét nghiệm ADN và xem xét xem đó là con của ai. Vì đã là một gia đình cùng chung sống với nhau thì con sinh ra đều là con chung trong gia đình, không nên phân biệt là con của người chồng nào.
Ngoài ra, ý kiến rằng phụ nữ không thể thay thế chỗ của người đàn ông trong mối quan hệ vợ chồng cũng khiến nhiều người không thể chấp nhận hợp thức hóa đa phu. Thông thường khi đàn ông lấy vợ, họ phải trả laboha (phí cô dâu) cho người phụ nữ. Tuy nhiên, với tình hình xã hội Nam Phi hiện tại, không chắc phụ nữ có thể trả được phí này khi lấy nhiều chồng cùng một lúc.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn