Theo thống kê, hơn 1,14 triệu người tại Madagascar đang phải chống chọi với tình trạng mất an ninh lương thực bởi hạn hán kéo dài nặng nề nhất trong vòng 40 năm qua. Theo đó, biến đổi khí hậu đang tàn phá khu vực phía nam của Madagascar mặc dù quốc gia này chỉ gây ra 0,01% lượng khí thải toàn cầu.
Liên Hiệp Quốc (UN) đã cảnh báo có khoảng 500.000 người dân tại Madagascar phải di dân để tránh nạn đói. Trong nhiều tháng qua, các gia đình tại tâm điểm của nạn đói đã phải chống chọi từng ngày bằng cách ăn xương rồng, lá dại và thậm chí ăn cào cào.
Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) David Beasley cho biết, ông đã gặp những người phụ nữ và trẻ em đi bộ hàng giờ để đến các điểm tiếp tế thực phẩm. Tuy nhiên, đây là những người vẫn còn đủ sức để đến các điểm nhận lương thực trong khi nhiều người khác không thể.
Dẫn lời bà Lenka Blanárová, Điều phối viên Đánh giá dinh dưỡng tại tổ chức Hành động chống nạn đói của Vương quốc Anh (Action Against Hunger UK), bà đã gặp những bà mẹ phải trộn mẹ với tro sau khi lửa tàn, như một thứ "đồ ăn" để cho vào bụng con họ.
Tại đây, miền nam Madagascar, những đợt hạn hán kéo dài và những cơn bão cát hung ác đã tàn phá tất cả mùa màng và biến đất canh tác trở thành sa mạc. Ngoài ra, tác động của đại dịch Covid-19 làm tăng giá lương thực, thực phẩm nhưng lại giảm đi cơ hội việc làm lại càng đẩy người dân vào cảnh khốn cùng do nghèo đói.
Hơn nữa, tình trạng thiếu nước trầm trọng do hạn hán đã khiến người dân sử dụng bất cứ nguồn nước nào mà họ có được. Điều này làm gia tăng các bệnh lây truyền thông qua sử dụng nước bẩn.
Những khó khăn này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân nói chung mà còn làm gia tăng những rủi ro sức khỏe đối với trẻ em. Theo số liệu thống kê, nạn đói khiến gia tăng tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em tại Madagascar. Suy dinh dưỡng là "kẻ giết người" nguy hiểm nhất đối với trẻ em dưới 5 tuổi tại quốc gia này và chiếm 45% số ca tử vong hàng năm ở trẻ em.
Theo ông Beasley, nạn đói Madagascar gây ra bởi biến đổi khí hậu nghiêm trọng. WFP cảnh báo, hiện có khoảng 14.000 người đang trong tình trạng "nguy kịch". Tuy nhiên, con số này có thể tăng lên gấp đôi vào tháng 10 năm nay.
Đáng buồn thay, Madagascar không "đóng góp" gì cho tình trạng biến đổi khí hậu, nhưng lại là quốc gia "trả giá đắt" cho biến đổi khí hậu. Bởi lẽ, quốc gia này chỉ tạo ra 0,01% trong tổng số lượng khí thải toàn cầu.
Bàn về vấn đề an ninh lương thực và biến đổi khí hậu, năm 2009, các quốc gia phát triển đã đồng ý trợ cấp tài chính và nhân lực để giúp các nước đang phát triển tiếp thu năng lượng sạch và thích ứng với vấn đề nóng lên toàn cầu.
Trong khi đó, WFP cho biết họ cần 78,6 triệu USD để cung cấp thực phẩm và lương thực cho những nạn nhân của nạn đói. Ngoài ra, bàn về tính lâu dài, hệ thống thủy lợi, đường sá và nhiều cơ sở hạ tầng khác cũng cần được đầu tư phát triển.
Tuần trước, giám đốc WFP đã gặp Thủ tướng Madagascar, ông Christian Ntsay, và các quan chức cấp cao để xác định giải pháp trước mắt và lâu dài đối với cuộc khủng hoảng nạn đói tại miền nam nước này.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn