Trong khuôn khổ Dự án Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (Dự án EU JULE) do Liên minh châu Âu tài trợ, ngày 19/10, Bộ Tư pháp tổ chức Phiên thảo luận với chủ đề "Nâng cao nhận thức pháp luật nhằm tăng cường phòng, chống bạo lực với trẻ em". Hội thảo nhằm mục đích trao đổi, thảo luận về kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế; từ đó đưa ra giải pháp nâng cao hiểu biết pháp luật về phòng, chống bạo lực với trẻ em, góp phần làm tốt hơn công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, trẻ em luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, gia đình và toàn xã hội. Hệ thống pháp luật của Việt Nam về bảo vệ, chăm sóc trẻ em ngày càng được hoàn thiện tạo cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ trẻ em trên thực tế.
Tại phiên thảo luận, đại diện Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, tại Việt Nam, năm 2016 toàn quốc phát hiện 1.616 trẻ em bị xâm hại; năm 2017 là 1.642 trẻ em bị xâm hại, năm 2018 là 1.579 trẻ em bị xâm hại. Số trẻ em bị xâm hại năm 2019 là 2.117 em, so với năm 2016 tăng 501 em (tăng 23,6%). Bạo lực, xâm hại tình dục gây tổn thương nặng nề, lâu dài cả thể chất và tinh thần trẻ em, thậm chí làm trẻ em bị tử vong hoặc khiến trẻ em phải tự tử.
Theo bà Lesley Miller - Phó trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam - nâng cao nhận thức pháp luật là một bước đi quan trọng để giải quyết vấn nạn xâm hại trẻ em. Nhận thức pháp luật cung cấp cho trẻ em trai và gái, cha mẹ và cộng đồng những hiểu biết cơ bản về luật pháp và những quy trình pháp lý cần tuân thủ. Các biện pháp ứng phó với xâm hại trẻ em như các dịch vụ bảo vệ và trợ giúp pháp lý, phải được phổ biến để mọi người biết rõ. Việc nâng cao nhận thức pháp luật cần bao gồm cả hướng dẫn tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ sẵn có, chỉ dẫn rõ ràng cách thức tìm hiểu thêm thông tin chi tiết, tìm kiếm trợ giúp và tư vấn. Cần nâng cao kiến thức và kỹ năng của trẻ em và người lớn để họ biết cần phải làm gì khi chứng kiến hoặc bản thân bị xâm hại là rất quan trọng, cũng như thúc đẩy họ có hành động bảo vệ quyền của mình và đòi công lý.
Còn ông Giorgio Aliberti - Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam - đề nghị sửa đổi Bộ luật Hình sự để bảo đảm hình sự hóa mọi hình thức xâm hại trẻ em dưới 18 tuổi, đặc biệt là tất cả các hình thức xâm hại tình dục. ""Tôi cũng xin đề nghị nâng độ tuổi của trẻ em theo Luật Trẻ em từ 16 lên 18 tuổi. Điều đó sẽ phù hợp với Công ước Quyền trẻ em và bảo đảm rằng mọi trẻ em gái cũng như trai từ đủ 16 đến dưới 18, độ tuổi dễ bị xâm hại và bóc lột nhất, sẽ được hưởng sự bảo vệ và hỗ trợ đầy đủ của Luật Trẻ em"", ông Aliberti nói.
Ông Aliberti cũng cho rằng, cần phải bảo đảm cung cấp thông tin cho những nhóm yếu thế, thiểu số, bao gồm trẻ em di cư, nhập cư, trẻ em khuyết tật, các em thuộc dân tộc ít người, trẻ em lang thang. Để làm được điều đó, cần thay đổi thái độ và thực hành trong cộng đồng, cách chúng ta nói với trẻ em, thúc đẩy sự tôn trọng các em và coi các em là những công dân trong xã hội. Cần tập huấn về quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại cho tất cả những cán bộ, những người làm việc với và vì trẻ em, bao gồm giáo viên, bác sĩ, y tá, luật sư, thẩm phán, công an, chuyên gia tâm lý, nhân viên công tác xã hội, cán bộ quản giáo.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn