Mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược truyền thông về bình đẳng giới của Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong gia đình và cộng đồng như thế nào?
(Thu Thủy - Bình Liêu, Quảng Ninh)
Mục tiêu, chỉ tiêu về nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, hành vi về bình đẳng giới trong gia đình và cộng đồng được nêu trong Chiến lược truyền thông về bình đẳng giới và các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số giai đoạn 2023 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Chiến lược truyền thông được ban hành kèm theo Quyết định số 2441/QĐ-ĐCT ngày 8/8/2023 của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam.
Theo đó, Chiến lược đề ra mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, hành vi về bình đẳng giới trong gia đình và cộng đồng như sau: "Nhận thức về bình đẳng giới, các biểu hiện của định kiến giới, khuôn mẫu giới và sự phân biệt đối xử về giới trong gia đình và cộng đồng được nâng lên, từ đó khuyến khích phụ nữ và nam giới trong cộng đồng dân tộc thiểu số và miền núi cùng nhau thực hiện các vai trò kinh tế, vai trò chăm sóc, ra quyết định và tham gia chính trị, góp phần giảm số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ dân tộc thiểu số; giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị, tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ được tham gia ra các quyết định và nắm giữ các vị trí lãnh đạo trong cộng đồng.
Chiến lược đề ra các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025 như sau:
+ Ít nhất 90% nam giới, phụ nữ nhận biết được các biểu hiện của định kiến giới, khuôn mẫu giới và sự phân biệt đối xử về giới liên quan đến vai trò kinh tế, vai trò chăm sóc, vai trò ra quyết định trong gia đình và cộng đồng thông qua tham gia vào các tổ truyền thông cộng đồng, mô hình sinh kế, địa chỉ tin cậy trong Dự án 8.
+ 45.000 trẻ em dân tộc thiểu số được nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và có kỹ năng truyền thông, vận động giải quyết những vấn đề cấp thiết liên quan đến trẻ em thông qua tham gia mô hình Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi".
+ Khoảng 7.200 phụ nữ người dân tộc thiểu số được tham gia các cuộc đối thoại chính sách ở cấp xã và cụm thôn bản.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn